Phó Đô đốc Hải quân Mỹ: Hãy để Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân đối phó với Triều Tiên

Trung Phạm |

Theo cựu chỉ huy Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, một nước Nhật được vũ trang hạt nhân sẽ buộc Trung Quốc phải gia tăng sức ép kiềm chế Bình Nhưỡng.

Cựu Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, Phó Đô đốc John Bird đề nghị Washington nên chấp thuận cho Nhật Bản mở rộng khả năng vũ trang hạt nhân nhằm kiềm chế mối đe dọa mới nảy sinh từ các chương trình vũ khí hạt nhân gần đây của Triều Tiên.

Đề xuất trên được ông Bird nêu ra trong bài thuyết trình với tựa đề "Các bài học của Triều Tiên đối với Nhật Bản" tại một buổi thảo luận do Viện Do Thái về các Vấn đề An ninh Quốc gia (JINSA) có trụ sở ở Washington DC tổ chức.

Ông Bird cho rằng, việc nước Nhật được vũ trang hạt nhân sẽ đóng vai trò như một lực lượng đối trọng buộc Trung Quốc phải kiềm chế Triều Tiên cũng như ngưng yêu cầu Washington và Seoul tháo dỡ Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc.

"Nhiều người quan tâm từng kêu gọi chúng ta triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Tây Thái Bình Dương, đưa ra những tín hiệu cho thấy Nhật Bản không còn xem Mỹ là chiếc ô hạt nhân đủ mạnh và sẽ tự đi theo con đường của riêng họ", Phó Đô đốc John Bird nói.

"Những hành động này sẽ buộc Trung Quốc phải lưu tâm. Bắc Kinh không hài lòng về THAAD nên họ sẽ rất không hài lòng và không muốn nước Nhật được vũ trang hạt nhân. Do vậy, nếu Bắc Kinh nghĩ điều đó là thực tế, họ sẽ gây sức ép với Triều Tiên. Đấy là cách thức ngoại giao duy nhất có thể tạo ra sự khác biệt".

Chia sẻ quan điểm với ông Bird, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Stephen Rademaker nhấn mạnh tới thực tế địa chính trị rằng Triều Tiên đã gia tăng đáng kể cán cân sức mạnh so với Mỹ và hai đối thủ khác trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản. Bình Nhưỡng cũng khẳng định sự độc lập nhiều hơn với Bắc Kinh.

"Triều Tiên cho rằng phi hạt nhân hóa không phải là vấn đề cần bàn cãi. Bình Nhưỡng đã viết rõ trong hiến pháp, họ là một nhà nước hạt nhân", Rademaker nói. "Chúng ta hoặc phải thuyết phục họ từ bỏ quan điểm đó hoặc phải đàm phán để hạn chế các khả năng hạt nhân của họ".

Phó Đô đốc Hải quân Mỹ: Hãy để Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân đối phó với Triều Tiên - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) phóng thử nghiệm tên lửa đánh chặn từ một địa điểm tại Alaska ngày 30/7/2017. Ảnh: Koreatimes

Những năm gần đây, việc kêu gọi vũ trang hạt nhân cho Nhật Bản ngày một gia tăng, nguyên nhân một phần xuất phát từ những nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên không thành công.

Năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe từng nói rằng, Hiến pháp Nhật không có điều nào chỉ rõ cấm nước này sở hữu hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trước đó, ông Abe cũng ủng hộ quan điểm Nhật Bản cần đóng một vai trò chủ động hơn với các chiến dịch gìn giữ hòa bình quốc tế và các vấn đề an ninh nóng khác.

Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản, ban hành sau Thế chiến thứ Hai và có hiệu lực năm 1947, tuyên bố từ bỏ quyền phát động chiến tranh nhưng không ngăn cấm Nhật Bản duy trì khả năng phòng thủ.

Căng thẳng giữa Mỹ và đồng minh Đông Bắc Á với Triều Tiên đã tạm thời hạ nhiệt sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố hoãn kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo tầm trung về phía Guam.

Tuy nhiên, các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào tuần tới có thể sẽ kích hoạt lại cuộc khẩu chiến căng thẳng thời gian qua. Triều Tiên thường viện dẫn các cuộc tập trận này như bằng chứng cho thấy Mỹ và đồng minh khu vực muốn khuất phục Bình Nhưỡng bằng quân sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại