Phó Chủ tịch MoMo: ‘Tất cả những người thành công đều rất tiết kiệm, RẤT RẤT TIẾT KIỆM’

Ngọc Tú |

Tiết kiệm tiền từ những đồng tiền lẻ bé nhỏ sẽ tạo nên những thay đổi lớn trong cuộc đời bạn.

Thomas Corley, tác giả của cuốn "Thói quen thành công hàng ngày của những người giàu có" chỉ ra một đặc điểm chung của những tỷ phú, đó là họ luôn thực hành tiết kiệm. Ví như tỷ phú người Mỹ Warren Buffett quan điểm rằng: "Nếu bạn mua thứ bạn không cần, bạn sẽ sớm phải bán thứ bạn cần", và thực chất lối sống của ông vô cùng giản đơn, món ăn yêu thích là đồ ăn ở cửa hàng tiện lợi, đi chiếc xe ô tô đời cũ, ở trong căn nhà 3 phòng ngủ từ 1958 dù ông sở hữu khối tài sản khổng lồ.

Nói về tỷ phú Bill Gates, người ta thường nhớ đến một tỷ phú tiết kiệm dù trong tay sở hữu hàng trăm tỷ đô la nhưng vẫn tin dùng và thường đeo chiếc đồng hồ Casio chỉ có mức giá 1,6 triệu đồng.

Mark Zuckerberg thường xuyên xuất hiện với chiếc quần jeans, áo phông đơn giản và chiếc xe hơi thông dụng bình thường. Đặc biệt, một sự kiện đầu năm 2021 khiến nhiều người phải bất ngờ khi Mark Zuckerberg cùng vợ xuất hiện tại một siêu thị giá rẻ ở Mỹ để săn mua đồ giảm giá. Điều này cũng cho thấy, nhà sáng lập Facebook có lối sống giản dị, không phung phí tiền vào những thứ xa xỉ.

Phó Chủ tịch MoMo: ‘Tất cả những người thành công đều rất tiết kiệm, RẤT RẤT TIẾT KIỆM’  - Ảnh 1.

Tỷ phú người Mỹ Warren Buffett là bậc thầy tiết kiệm

Thực chất, những người thành công đều là những người giỏi quản lý tài chính. Họ tránh các khoản chi tiêu không cần sự cần thiết, họ thường lên kế hoạch tài chính cụ thể, không phung phí mua sắm. Đặc biệt, họ quý trọng cả những đồng tiền lẻ nhỏ nhất. Hiểu rõ hơn ai hết về giá trị của những đồng tiền lẻ, ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch MoMo chia sẻ trong show Tự do tài chính - Moneytalk: "Mình thấy tất cả những người thành công đều là những người tiết kiệm, rất rất tiết kiệm".

Cụ thể, khi được MC Ngọc Trinh đưa ra câu hỏi liên quan tới đầu tư và tiết kiệm: "Đầu tư và tiết kiệm, những thuật ngữ này thường rất to tát theo kiểu 'nhiều tiền không biết để làm gì nên mới đầu tư hoặc tiết kiệm'. Anh có nghĩ rằng tiền nhàn rỗi mới là tiền dùng để đầu tư và tiết kiệm hay không?".

Từ thực tế trải nghiệm của bản thân, Phó Chủ tịch MoMo nhớ lại câu chuyện thưởng Tết của bản thân khi vẫn còn là một nhân viên văn phòng. Giống như nhiều người làm công ăn lương, ông Diệp từng rất mong ngóng, chờ đợi thưởng Tết. Sự háo hức này được chia sẻ với bố ruột, nhưng bất ngờ, bố của ông Diệp nói: "Việc con được thưởng hay không, bao nhiêu tháng lương thì cái đó không kiểm soát được. Tuy nhiên nếu con tiết kiệm hàng tháng, chi tiêu nó hợp lý và tiết kiệm được 10% thì 1 năm tự nhiên đã có 1 tháng lương. Khi đó con tự thưởng cho con và quyền kiểm soát nằm trong tay con".

Lời nói của bố khiến ông Diệp sực tỉnh nhận ra, thay vì chờ đợi phần thưởng từ người khác, chi bằng hãy tự tặng phần thưởng cho chính mình bằng cách quản lý tài chính hợp lý, tiết kiệm tiền mỗi tháng, tự khắc sau một năm sẽ có khoản tiết kiệm kha khá. Đó cũng là giá trị của 'tích tiểu thành đại' trong tiết kiệm mà bất cứ ai cũng nên sớm thực hành để sớm đạt tự do tài chính, hoặc ít nhất cũng chủ động được trong chi tiêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại