Khi được hỏi, liệu Philippines có tiếp tục tiếp đón tàu và máy bay Mỹ thực hiện các chuyến tuần tra biển Đông hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trả lời: Không chắc ông Duterte sẽ để chuyện đó xảy ra. Mục đích là nhằm "tránh có các hành động gây hấn khiến căng thẳng gia tăng trên biển Đông".
"Chúng tôi sẽ tránh (để khả năng đó xảy ra) trong thời điểm hiện tại", ông Lorenzana nói, "Dù sao, Mỹ cũng có thể bay tới đó từ các căn cứ khác". AP cho rằng, ông Delfin Lorenzana muốn nhắc tới các căn cứ mà quân đội Mỹ hiện đang đồn trú ở Guam và Okinawa.
Dưới thời của Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino III, một số tàu và máy bay của Mỹ đã "dừng chân" tại Philippines khi tuần tra biển Đông để thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Thế nhưng, Rodrigo Duterte, Tổng thống vừa đắc cử hồi tháng 6 vừa qua của Philippines, lại có những bước đi nhằm hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh và có phần lạnh nhạt với chính quyền Tổng thống Obama sau khi Washington tỏ ra quan ngại về cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của Manila.
Giới chức Mỹ vẫn chưa bình luận gì về phát ngôn này. Trước đó, Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris cho biết mối quan hệ hợp tác quân sự (của Mỹ) với Manila vẫn không thay đổi.
Tuy nhiên, ông Duterte đã công khai dọa thu hẹp phạm vi hợp tác với Mỹ, bao gồm cả kế hoạch tuần tra chung ở vùng biển tranh chấp, hoạt động mà Bắc Kinh phản đối.
Những quyết định của ông Duterte đã cản trở nỗ lực hiện diện tại châu Á của Mỹ mặc dù nước này vẫn cam kết sẽ tiếp tục tuần tra biển Đông, thúc đẩy tự do hàng hải ở một trong những khu vực thương mại đường thủy đông đúc nhất thế giới.