Chuyến đi này đã cụ thể hoá hướng mới, vừa được Tổng thống Philippines xác nhận gần đây, theo đó Manila sẽ mua vũ khí từ Nga và Trung Quốc, thay vì chủ yếu dựa vào Mỹ như trước.
Theo nhật báo Philippines Daily Inquirer, tại Moskva, phái đoàn Philippines đã tiếp xúc với quan chức Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Nga (gọi tắt là FSMTC) để tìm hiểu khả năng hợp tác quân sự nhằm tăng cường năng lực quân sự của Philippines (tức là mua vũ khí), và tăng cường công tác huấn luyện cho quân đội và cảnh sát Philippines.
Theo Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, vị thế cường quốc thế giới của Nga và kinh nghiệm của Nga có thể góp phần duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và việc mua các thiết bị quân sự và công nghệ hiện đại từ Nga sẽ giúp nước này đảm bảo an ninh trên biển.
Trong một bản thông báo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Philippines ngày 21/9, Đại sứ Philippines tại Nga ông Carlo Sorreta cho biết là trong các cuộc tiếp xúc với phái đoàn Manila, phía Nga đã giới thiệu các loại thiết bị quân sự, khả năng hợp tác huấn luyện để sử dụng các thiết bị đó, cũng như các dịch vụ bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi mua.
Ngoài ra còn có vấn đề Nga đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất vũ khí tại Philippines, cũng như các phương thức tài trợ khác nhau.
Giới quan sát đã lồng các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Manila và Moskva về vũ khí vào trong chiều hướng mới đã được Tổng thống Philippines Duterte tiết lộ gần đây, theo đó Manila sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự với cả Nga lẫn Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Philippines ngày 21/9 như đã cố biện minh cho ý định tìm mua vũ khí Nga khi nêu bật việc ngay cả Mỹ cũng mua động cơ tên lửa từ Nga, không kể đến việc Nga là nguồn cung cấp vũ khí cho Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Trong một diễn biến khác liên quan tới quan hệ đối ngoại, ngày 21/9, khi bị Liên minh châu Âu chỉ trích về chiến dịch trấn áp tội phạm tàn bạo, Tổng thống Philippines đã lăng mạ Liên minh châu Âu. Tổng thống Philippines Duterte nói châu Âu "dám cả gan" chỉ trích ông trong khi Pháp và Anh đã giết hàng triệu người Arập và người dân nhiều nước khác.
Ông đả kích hai nước này là "đạo đức giả" và bác bỏ cáo buộc "diệt chủng". Ông nói: "Họ rao giảng đạo đức chỉ để giảm mặc cảm tội lỗi. Tôi đã giết những ai? Nói cho chính xác là 1.700 người. Nhưng họ là ai? Những kẻ phạm tội. Và các ông gọi đó là diệt chủng à?".