Chiến dịch Euphrates Shield (Lá chắn Euphrates) được chính thức bắt đầu vào ngày 24 tháng 8 năm 2016. Theo Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm mục đích chiến đấu với IS cũng như các lực lượng người Kurd Syria (YPG) ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã đào tạo, trang bị vũ khí và tài trợ cho nhóm phiến quân nổi dậy "Quân Syria Tự do" (FAS) chống chính quyền Tổng thống Assad, thành lập một khu an toàn phía Bắc Aleppo.
Hôm qua, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tuyên bố: "Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria đã hoàn thành chiến dịch Euphrates Shield. Chiến dịch kết thúc thành công!".
Vậy, thực sự chiến dịch Lá chắn Euphrates thành công hay thất bại?
Các máy bay chiến đấu hiện đại của Không quân Nga triển khai ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt được "mầm loạn" YPG?
Mục tiêu của chiến dịch mà Ankara đề ra rất ngạo mạn là tấn công YPG buộc YPG không được bước qua phía Tây sông Euphrates, đánh chiếm Afrin và Kobane là 2 trong 3 "ốc đảo" mà nếu YPG kết nối được với Jazira là biến thành cơn các mộng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Để thực hiện âm mưu đó, Ankara phải chiếm được Al Bab và Manbij. Đánh chiếm Al Bab từ IS không như lúc mở màn chiến dịch tại Jarablus, IS nhường sân, mà đã rất trầy trật phải nhờ VKS Nga hỗ trợ mới thành công.
Tuy nhiên khi đánh chiếm được Al Bab, Ankara đã bộc lộ ý đồ "đi quá xa" trên chiến trường Syria buộc Nga và Mỹ "tuýt còi"...
Tại Manbij, cờ Mỹ đã bay phấp phới tại phía Tây Bắc còn tại phía Tây Nam thì YPG đã thỏa thuận giao cho Nga và quân Assad canh giữ. Tình thế này đã chính thức chặt đứt ý đồ của Ankara tiến về Manbij.
Tại "ốc đảo" Afrin, trước nguy cơ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đánh chiếm, lực lượng YPG đã bắt tay với quân đội Nga và SAA. Một căn cứ của Nga tại Cindires thuộc Afrin đã hình thành mà theo Nga thì dùng để "theo dõi thỏa thuận ngừng bắn" nhưng thực chất là giúp huấn luyện cho YPG.
Như vậy, về quân sự, Ankara muốn thiết lập một vùng an toàn trên lãnh thổ Syria có chiều sâu hơn 30 km theo trục Afrin-Al Bab-Manbij-Jarablus hoàn toàn bị Nga, Mỹ làm phá sản.
Về chính trị, lực lượng người Kurd Syria, lực lượng mà Ankara coi là khủng bố, có nguy cơ đe dọa an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, lại lớn mạnh và mở rộng ngay trước mũi Ankara khi được Mỹ và Nga hỗ trợ đã khiến cho mâu thuẫn với Mỹ và Nga trở nên gay gắt.
Xét về sự bất ổn của Syria, làm dấy lên những kẻ khủng bố thân Thổ Nhĩ Kỳ và kéo dài xung đột, "Lá chắn Euphrates" đã thực sự thành công.
Nhưng để tạo ra lợi ích chống lại người Kurd, tạo ra những lợi ích đáng kể chống lại quân đội Assad, làm cho Mỹ và Nga thay đổi suy nghĩ của họ và quan trọng nhất để lật đổ Assad, "Lá chắn Euphrates" đã thất bại nặng nề với Thổ Nhĩ Kỳ.
Rõ ràng, với thế trận của Nga và Mỹ tại Syria , chiến dịch Lá chắn Euphrates đã gặp phải 2 quả đấm thép làm cho tan vỡ. Chiến dịch không thể phát triển bất cứ hướng nào nếu như muốn đối đầu quân sự trực tiếp với Nga và Mỹ. Do đó, tuyên bố kết thúc chiến dịch là tỉnh táo.
Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân ở giáp biên giới với Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ không ngồi nhìn!
Thời gian qua, không quá khó để nhận thấy sự tức giận của chính quyền Erdogan với Mỹ, châu Âu và Nga, đặc biệt là phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ trên chiến trường Syria.
Sau khi chiến dịch "Lá chắn Euphrates" gặp phải 2 quả đấm thép Nga và Mỹ khiến cho tan vỡ, không phát triển được theo hướng nào; trong khi quân Assad đã tiến tới làm chủ Deir Hafer; trong khi IS đã rút lui khỏi các mỏ dầu khí tại Homs, Palmyra thì hơn 10.000 phiến quân tấn công Hama.
Nhóm Ahrar al-Sham tuyên bố đã tham gia cùng Hayat Tahrir al-Sham (trước đây là Jabhat al-Nusra, chi nhánh al-Qaeda tại Syria ) và các đồng minh trong nỗ lực quân sự của họ nhằm đánh chiếm thành phố Hama do chính phủ Syria kiểm soát .
Lưu ý thứ nhất là, Ahrar al-Sham là nhóm "đối lập" mạnh nhất đã tham gia cùng với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch "Lá chắn Euphrates" ở miền bắc Syria.
Diễn biến tại Hama là một cuộc đấu mưu, kế rất thú vị giữa Nga và liên minh với lực lượng phiến quân tại Idlib và kết quả cuộc chiến trên chiến trường Hama ra sao thì ta đã biết mà không bàn ở đây. Điều lưu ý thứ hai mà chúng ta quan tâm ở đây là:
Khoảnh khắc đáng chú ý nhất của cuộc phản công bởi quân đội Syria (SAA) với liên minh Hezbollah là họ đã tấn công phá hủy một Sở chỉ huy dã chiến của phiến quân mà trong đó chứa đủ các loại vũ khí được lựa chọn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sở chỉ huy dã chiến này được trang bị với thiết bị quân sự tốt nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp. Xung quanh có thêm radar và xe bọc thép. Có thể nói đây là một Sở chỉ huy dã chiến của Thổ Nhĩ Kỳ tại chiến trường Hama.
Xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Rõ ràng là "dấu vân tay" của Thổ Nhĩ Kỳ tại Hama là không thể phủ nhận.
Trong khi các lực lượng phiến quân các loại đã được di cư về tại Idlib đang "há miệng" chờ nguồn tài trợ từ nước ngoài duy nhất là Thổ Nhĩ Kỳ…thì việc huy động hơn 10.000 phiến quân tấn công Hama là không gì khó với Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáng tiếc, không phải như vụ Palmyra, Nga và Liên minh tỏ ra rất bình tĩnh, đã chứng tỏ như họ đã chờ sẵn và phiến quân đã mắc bẫy.
Hơn 10.000 phiến quân tại Idlib không phải là IS, đây là một lực lượng đông nhưng tổ chức không chặt chẽ. Tấn công vào một lực lượng phòng ngự mà không có không quân hỗ trợ, vừa không có lợi thế tác chiến đó là hành động lao vào "cối xay thịt".
Đó là lý do vì sao chưa đầy một tuần tham chiến, phiến quân đã bị diệt hơn 2000 người, và chưa dừng ở đó, họ đang bị quây tại Hama, nai lưng chịu tên lửa, bom và rocket từ Su-34, Su-35 của Không quân - Vũ trụ Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ lại một lần nữa không thành. Khi không có lực lượng mặt đất mạnh như SAA và YPG; khi không mạnh như Nga hay Mỹ thì hành động của Ankara chỉ có thể là gây khó khăn cho họ chứ không thể ngăn cản được kế hoạch mà Nga, Mỹ đã vạch ra.