Phiên phúc thẩm vụ ông Đinh La Thăng: "Người đặc biệt" xuất hiện, khai tại tòa

Hoàng Đan |

HĐXX đã triệu tập "người đặc biệt" là ông Hồ Công Kỳ, nguyên CVP PVN để làm rõ lời khai mâu thuẫn nhau của các bị cáo trong nội dung quan trọng ở vụ án ông Đinh La Thăng.

"Người đặc biệt" khai những gì?

Tiếp tục phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm, chiều 9/5, HĐXX đã triệu tập "người đặc biệt" là ông Hồ Công Kỳ, nguyên Chánh văn phòng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) để làm rõ lời khai mâu thuẫn nhau của các bị cáo trong vụ án.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, ông Hồ Công Kỳ cho biết, hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV của PVPower.

Ông Kỳ xác nhận, từ tháng 11/2010 được giao làm Chánh văn phòng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và kết thúc nhiệm vụ vào tháng 4/2013.

Nguyên Chánh Văn phòng PVN cho hay, Văn phòng có chức năng tiếp nhận, phân phối các công văn đi, đến theo quy chế quản lý công tác văn thư, lưu trữ của PVN cũng như căn cứ vào quyết định phân công HĐTV, HĐQT và Ban Tổng Giám đốc của Tập đoàn.

Trước câu hỏi của HĐXX, theo quy chế như vậy thì ai là người xử lý văn bản của các đơn vị gửi lên Tập đoàn, các thành viên HĐTV, Ban Tổng giám đốc, ông Kỳ cho rằng, thời gian đó, đã phân công cho ông Khương Văn Đạt, Phó Chánh văn phòng trực tiếp phụ trách công tác văn thư, lưu trữ của văn phòng và là người trực tiếp phân phối công văn đến lãnh đạo PVN.

"Vì vậy, để biết cụ thể, liên quan đến quá trình phân phối công văn đề nghị HĐXX hỏi trực tiếp ông Khương Văn Đạt", ông Kỳ nói.

Phiên phúc thẩm vụ ông Đinh La Thăng: Người đặc biệt xuất hiện, khai tại tòa - Ảnh 1.

Ông Hồ Công Kỳ - Ảnh: Trang web Công đoàn dầu khí.

HĐXX đặt tiếp câu hỏi, dù ủy quyền cho ông Đạt nhưng ông có nắm được phương thức xử lý các công văn đến Tập đoàn, các thành viên HĐTV, Ban Tổng giám đốc không? Ông Kỳ đáp, thời điểm đó, Văn phòng đã sử dụng một hệ thống quản lý văn thư lưu trữ điện tử từ lâu.

Đối với các công văn cụ thể đều được lưu trưc hết sức chu đáo, cẩn trọng trên hệ thống. Vì vậy, nếu cần thiết truy xuất từng văn bản thì Văn phòng có thể làm cụ thể để báo cáo.

"Còn về nguyên tắc việc chuyển văn bản cho ai, đến ai xử lý thì hoàn toàn thực hiện theo phân công nhiệm vụ trong HĐQT, HĐTV và Ban Tổng giám đốc, thực hiện theo đúng quy chế quản lý", ông Kỳ nêu rõ.

HĐXX tiếp tục mời ông Khương Văn Đạt lên để hỏi. Ông Đạt cho biết, hiện tại ông đang làm Phó Chánh văn phòng PVN.

Đối với việc quản lý, xử lý văn bản đến Tập đoàn, ông Đạt xác nhận đúng như ông Kỳ trả lời trước tòa.

Theo ông Đạt, Tập đoàn có quy chế, quy định cách thức xử lý văn bản, bên cạnh đó, có phân công của HĐTV, Ban Tổng giám đốc, vì vậy, văn bản tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ được chuyển đến các địa chỉ.

Đối với văn bản có bản cứng sẽ được chuyển đồng thời, song song với bản mềm trên phần mềm quản lý văn bản.

HĐXX hỏi tiếp, ông Thực cho rằng một số công văn: 3492, 3769 (PVPower), 6841 (PVC) gửi cho ông Thực nhưng ôn này không nhận được. Vậy giờ có thể xác nhận được các văn bản này có gửi đến ông Thực không?. Ông Đạt nói kiểm tra được từ hệ thống dữ liệu máy PVN.

Ông Thực nói đã nghe khai rõ. Chủ tọa nói sẽ xem xét và yêu cầu văn phòng PVN truy xuất các tài liệu để kiểm chứng ông Thực có nhận được không.

Chủ tọa hỏi ông Thực còn giữ kháng cáo kêu oan không? Ông Thực trình bày nhưng bị mất tín hiệu tiếng. Sau đó, ông Thực nói trách nhiệm như thế nào thì xin HĐXX xem xét.

Phiên phúc thẩm vụ ông Đinh La Thăng: Người đặc biệt xuất hiện, khai tại tòa - Ảnh 2.

Bị cáo Phùng Đình Thực. Ảnh: TTXVN.

Ông Đinh La Thăng quyết liệt nhưng không mâu thuẫn với anh em

Sau việc đối chất của ông Thực, tòa cho ông Thăng đối chất. Sáng nay bị cáo Thăng cho rằng có những văn bản cấp dưới chuyển lên mình không nhận được.

"Bị cáo có đề xuất văn bản nào mà thấy mình không nhận được?", HĐXX hỏi. Ông Thăng nói đồng tình với cách xử lý như với ông Thực.

"Mong HĐXX cho phép, tôi là Chủ tịch nhưng thường xuyên đi công tác, mỗi lần đó ủy quyền cho HĐTV xử lý văn bản. Có những văn bản tôi xử lý, có những văn bản người được ủy quyền sẽ xử lý", ông Thăng nói.

Ông nói, xuyên suốt quá trình ở PVN văn bản nào ông nhận được sẽ có bút phê xử lý, hoặc chuyển để xử lý.

HĐXX hỏi về việc, liên quan tới Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo có thường xuyên chỉ đạo Nguyễn Quốc Khánh không? Ông Thăng đáp, chỉ đạo phải thông qua nghị quyết của HĐTV, HĐQT, qua giao ban, phân công cụ thể với cá nhân liên quan thực hiện. Việc chỉ đạo hoàn toàn phải qua văn bản, giao ban.

Ông Thăng cũng cho rằng PVC có năng lực tài chính, từng thực hiện nhiều dự án lớn khác: locj dầu Dung Quất, Nhiệt điện Cà Mau, làm liên danh tổng thầu cùng LiLama tiết kiệm cho nhà nước hàng triệu USD.

Bị cáo này nói thêm, Tập đoàn có nhiều hệ thống thẩm định đánh giá năng lực của PVC, những lần thẩm định đều khẳng định PVC có đủ căn cứ pháp lý để trở thành tổng thầu Nhiệt điện Thái Bình 2. Tháng 8/2011 tôi đã chuyển công tác mà việc thẩm định còn diễn ra sau đó.

HĐXX hỏi về việc giữa bị cáo với ông Vũ Huy Quang có mâu thuẫn với nhau không? Ông Thăng đáp làm việc thì quyết liệt nhưng hết giờ thì anh em không có mâu thuẫn.

Chủ tọa ngay đó dẫn lại lời khai của ông Quang cho rằng hợp đồng không có căn cứ không thể bô sung mà phải thay thế. Ông Thăng vẫn cho rằng cuộc họp ngày 31/3/2011 ông Quang không báo cáo nội dung này.

"Ông Quang mới ký hợp đồng 2812 tháng 3/2011, đề xuất tạm ứng tiền cho PVC sau đó không có báo cáo gì về Hợp đồng 33. HĐTV không phải chịu trách nhiệm về hợp đồng 33, không được xem hợp đồng thay thế hợp đồng này là 9141. Tôi làm doanh nghiệp mấy chục năm chưa bao giờ ký hợp đồng nào thế cả. Tổng giám đốc doanh nghiệp là người ký", ông Thăng nêu.

Chủ tọa nói Chủ tịch thì cũng phải biết những hợp đồng đó thế nào chứ? Ông Thăng nói HĐTV chỉ phê duyệt chuyển đổi chủ đầu tư. Việc chỉ định thầu được quyết định từ nhiều năm trước chứ ông không thể biết ba năm sau thì PVC khó khăn. Sau này ông đã chuyển công tác rồi tổ thẩm định của PVN vẫn khẳng định PVC có đủ năng lực làm tổng thầu.

Sau khi ông Thăng kết thúc phần đối chất, Luật sư Hoàng Huy Được, bào chữa cho Phùng Đình Thực đã trình bốn văn bản cho HĐXX có trích xuất từ PVN

"Nếu văn bản gửi cho cả Tổng giám đốc cả Phó tổng thì xử lý thế nào?", ông Được và ông Khương Duy Đạt nói không nhất thiết văn bản nào cũng chuyển tới Tổng giám đốc mà căn cứ vào nhiệm vụ có thể chuyển thẳng tới Phó Tổng phụ trách hoặc phòng ban phụ trách.

Bốn văn bản dùng để căn cứ quy kết trách nhiệm ông Thực được ông Đạt chứng nhận do tập đoàn trích xuất ra và có công văn chuyển của Văn phòng Tập đoàn chuyển cho luật sư.

HĐXX tuyên án ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm trong vụ án làm thất thoát 800 tỷ đồng của PVN



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại