Phiên dịch viên bị Taliban chặt đầu và nỗi ám ảnh của những người từng bắt tay với Mỹ

Minh Hạnh |

Sohail Pardis đang lái xe từ nhà ở thủ đô Kabul của Afghanistan đến tỉnh Khost gần đó để đón em gái đi dự lễ Eid, đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan.

Sohail Pardis. Ảnh: CNN

Sohail Pardis. Ảnh: CNN

Đáng lẽ đây sẽ là dịp để những người theo đạo Hồi tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ bên gia đình. Nhưng Pardis (32 tuổi) không ngờ rằng trong chuyến đi kéo dài 5 giờ đồng hồ ngày 12/5, anh lại bị chặn bởi Taliban khi đang lái xe qua sa mạc.

Vài ngày trước đó, Pardis tâm sự với bạn bè rằng anh đang bị Taliban dọa giết vì họ phát hiện ra anh là phiên dịch viên của quân đội Mỹ trong khoảng 16 tháng.

"Họ nói với Pardis rằng anh ấy là gián điệp của Mỹ, là tai mắt của Mỹ. Họ dọa sẽ giết anh ấy và gia đình", Abdulhaq Ayoubi - một đồng nghiệp của Pardis nói với CNN.

Khi đến gần trạm kiểm soát của Taliban, Pardis nhấn chân ga để tăng tốc, nhưng các tay súng đã nã đạn liên tục về phía xe hơi của anh. Chiếc xe đổi hướng và dừng lại. Các tay súng lôi Pardis ra khỏi xe và chặt đầu, người dân địa phương kể lại.

Pardis là một trong số hàng nghìn phiên dịch viên người Afghanistan từng làm việc cho quân đội Mỹ. Họ hiện đang phải đối mặt với sự đàn áp của Taliban khi nhóm này giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan.

Trong một tuyên bố đưa ra hồi tháng Sáu, Taliban cho biết họ sẽ không gây hại cho những người từng sát cánh cùng các lực lượng nước ngoài. Tuy nhiên theo Ayoubi, đó chỉ là lời nói suông. "Chúng tôi bị đàn áp đến ngạt thở. Taliban không thương xót chúng tôi."

Abdul Rashid Shirzad - một phiên dịch viên khác từng làm việc với Mỹ suốt 5 năm, cho biết: "Nếu họ bắt được tôi, họ sẽ giết cả tôi và vợ con tôi. Bạn biết đấy, giờ là lúc họ trả thù."

Kể từ sau khi bị Mỹ cho thôi việc, Shirzad và gia đình đã phải chuyển nhà liên tục mỗi tháng một lần. Vợ của Shirza vừa ôm con nhỏ vừa nói trong sợ hãi: "Chồng tôi và các con tôi đang gặp nguy hiểm. Anh ấy đã làm việc với người Mỹ, đã đánh cược tính mạng của mình khi bắt tay với họ. Giờ là lúc họ phải cứu anh ấy khỏi chỗ chết."

Vào ngày 14/7, Nhà Trắng cho biết họ đang phát động "Chiến dịch Đồng minh Tị nạn", nhằm tái định cư hàng nghìn thông dịch viên và biên dịch viên người Afghanistan từng làm việc cho Mỹ vì tính mạng của họ đang bị đe dọa.

Theo CNN, khoảng 18.000 người Afghanistan làm việc cho quân đội Mỹ đã đăng ký chương trình Thị thực Nhập cư Đặc biệt cho phép họ rời quê hương đến Mỹ.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Kabul cho biết họ đang "tích cực làm việc để đảm bảo có thể giúp đỡ những người đã hỗ trợ quân đội chúng tôi."

Ngày 8/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ sơ tán các phiên dịch viên người Afghanistan và gia đình họ sau khi quân đội Mỹ rút về nước, chấm dứt chiến dịch chống khủng bố kéo dài 20 năm ở Afghanistan.

"Thông điệp của chúng tôi gửi đến họ rất rõ ràng: Có một ngôi nhà cho bạn ở Mỹ, nếu bạn muốn. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng bạn, giống như bạn đã kề vai với chúng tôi", ông Biden nói.

Tuy nhiên, nhiều phiên dịch viên - bao gồm Ayoubi - cho biết cơ hội để anh và gia đình được đến Mỹ là rất thấp, gần như bằng không, vì trước đó anh từng thất bại trong bài kiểm tra nói dối và bị quân đội Mỹ sa thải.

Cả Pardis - người đã bị Taliban chặt đầu - cũng từng trượt bài kiểm tra nói dối và phải nghỉ việc sau 16 tháng.

CNN cho biết hàng trăm phiên dịch viên người Afghanistan đã bị chấm dứt hợp đồng vì những gì họ cho là lí do vô cớ của Mỹ.

Shirzad nói anh không biết mình đã làm gì sai và chưa bao giờ nhận được lời giải thích cho việc bị sa thải. Các chỉ huy lực lượng đặc nhiệm SEAL đã mô tả Shirzad là một phiên dịch viên sẵn sàng "bất chấp hỏa lực kẻ thù, cứu lấy mạng sống của những người Mỹ cũng như người Afghanistan".

Nhưng khi nộp đơn xin thị thực Mỹ vào năm ngoái, Shirzad đã bị Đại sứ quán Mỹ từ chối với lí do "thiếu trung thành".

"Nếu Afghanistan hòa bình, nếu tôi không phục vụ cho quân đội Mỹ, nếu Taliban không đeo đuổi tôi, thì tôi sẽ chẳng bao giờ muốn rời bỏ đất nước của mình", Shirzad nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại