Các phương tiện truyền thông khu vực Bắc Phi vừa đưa tin cho biết, máy bay chiến đấu Su-30MKA của không quân Algeria đã bị rơi trong một chuyến bay huấn luyện ban đêm.
Nguyên nhân của vụ tai nạn cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên phi hành đoàn gồm 2 người trên chiếc tiêm kích đã bị thiệt mạng.
"Một chiếc máy bay quân sự bị rơi ở tỉnh Umm al-Boisy, Đông Bắc Algeria. Phi hành đoàn 2 người thiệt mạng. Nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn chưa được xác định", kênh truyền hình Al Nahar đưa tin
"Chúng ta đang nói về chiếc tiêm kích Su-30MKA do Nga sản xuất, có vài chục máy bay như vậy trong biên chế không quân Algeria".
Căn cứ hình ảnh xuất hiện vài phút sau khi chiếc Su-30MKA của Algeria bị rơi, có thể thấy rằng máy bay đã bị phá hủy gần như hoàn toàn, 2 phi công đã không kịp kích hoạt ghế phóng.
Có thể giả định rằng thảm kịch xảy ra rất nhanh, hoặc phi hành đoàn đã cố gắng hạ cánh chiếc chiến đấu cơ trên để tránh thảm họa cho những người dưới mặt đất.
Không quân Algeria có tất cả 58 chiếc tiêm kích chiếm ưu thế trên không hạng nặng Su-30MKA, đơn hàng được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2017.
Tiêm kích đa năng Su-30MKA được thiết kế trên cơ sở mẫu Su-30MKI đã được Nga bán cho Ấn Độ và cả Malaysia (phiên bản Su-30MKM), đây chính là biến thể Su-30 xuất khẩu mạnh nhất.
Trong dòng Su-30MK xuất khẩu thì MKI là phiên bản mạnh nhất với hệ thống radar mảng pha đi kèm động cơ kiểm soát vector lực đẩy cùng hệ thống điện tử hàng không kết hợp tinh hoa của Nga - Pháp - Israel…
Su-30MKA lắp động cơ phản lực AL-31FP có khả năng kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC) với thiết kế miệng xả được đặt 32 độ hướng ra ngoài so với trục dọc động cơ và có thể làm lệch ±15 độ trong mặt phẳng đứng.
Điều này tạo ra hiệu ứng vặn đinh ốc, vì vậy nâng cao khả năng xoay của máy bay. Nó có thể đạt tốc độ tối đa tới Mach 2, vận tốc leo cao 23m/s, dự trữ hành trình bay chiến đấu đến 4,5 tiếng...
Máy bay được trang bị radar mảng pha quét thụ động N011M BARS có tầm trinh sát đến 400 km, theo dõi được 15 mục tiêu trên không và tấn công 4 - 6 mục tiêu cùng lúc.
Đặc biệt N011M BARS cho phép Su-30MKA hoạt động như máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy đường không (mini AWACS). Radar có thể phát hiện mục tiêu trên biển ở cách 400 km, tốp xe tăng cách 40 - 50 km.
Ngoài radar của Nga, một số thành phần điện tử trên Su-30MKA do Israel và Pháp chế tạo mang lại cho chiếc chiến đấu cơ này sức mạnh thậm chí còn vượt trội hơn cả phiên bản nội địa Su-30SM.
Có thể kể ra đây ví dụ như hệ thống hiển thị trong buồng lái, gồm màn hình HUD do Thales Pháp và Elbit Israel sản xuất; hệ thống dẫn đường phức hợp do SAGEM Pháp cung cấp; hệ thống gây nhiễu do công ty IAI Israel phát triển... Thật đáng tiếc khi tài nạn trên xảy ra với chiến đấu cơ này.