Phía sau việc con trai ông Hồ Cẩm Đào đưa 100 quan chức tới phiên tòa "Dân kiện quan"

Thủy Thu |

Mới đây, Thị trưởng Gia Hưng Hồ Hải Phong - con trai cựu Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào đã dẫn hơn 100 lãnh đạo đến tham dự phiên tòa "Dân kiện quan" tại một tòa án trong thành phố.

Lãnh đạo khiêm tốn

Theo Hồ Hải Phong, mục đích của phiên họp chính nhằm biến tòa án trở thành một lớp học, giúp các quan chức hiểu rõ về quá trình tố tụng, cách thi hành luật pháp, nâng cao nhận thức pháp luật cũng nhằm để răn đe các quan chức trước hành vi sai trái.

Hồ Hải Phong sinh năm 1970, tốt nghiệp cử nhân Tin học tại Đại học Giao thông Bắc Kinh và có bằng MBA của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.

Năm 2013, Hồ Hải Phong chính thức bắt đầu bước chân vào con đường chính trị với chức danh Phó bí thư thành ủy kiêm Hiệu trưởng trường Đảng thành phố Gia Hưng, Chiết Giang.

Tháng 3/2016, ông được bổ nhiệm ví trí Thị trưởng kiêm Phó bí thư thành ủy Gia Hưng.

Động thái mới của Hồ Hải Phong đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Trung Quốc, trong đó một nguyên nhân quan trọng chính là do ông là con trai của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Trên chính trường Trung Quốc, Hồ Hải Phong hiện luôn được đánh giá cao nhờ tác phong chính trị của bản thân.

Tờ Pháp chế buổi tối (Bắc Kinh) cho hay, ngoài đề xuất đưa việc tìm hiểu pháp luật trở thành quy định bắt buộc trước mỗi hội nghị thường vụ thành ủy, Hồ Hải Phong còn tự học 15 bộ quy tắc pháp luật trong vòng một năm nay kể từ khi được bộ nhiệm vị trí Thị trưởng Gia Hưng.

Tờ Gia Hưng nhật báo tiết lộ, Hồ Hải Phong rất "khiêm tốn khi tổ chức các cuộc vi hành" tới địa phương trong vùng và phát hiện nhiều vấn đề phát sinh. Ông đã yêu cầu những nhân viên đi cùng ghi văn bản và chụp ảnh hiện trường sau đó mới thông báo tới các quan chức địa phương và lệnh họ kịp thời xử lý.

Phía sau việc con trai ông Hồ Cẩm Đào đưa 100 quan chức tới phiên tòa Dân kiện quan - Ảnh 2.

Ông Tập Cận Bình kế nhiệm Hồ Cẩm Đào trở thành Chủ tịch Trung Quốc sau Đại hội 18 năm 2012. (Ảnh: AP)

Ngôi sao chính trị mới

Theo đánh giá, so với bước thăng tiến nhanh chóng của hậu duệ các lãnh đạo khác, thành tích của Hồ Hải Phong được cho là khá "khiêm tốn".

Đáng chú ý hồi năm 2013, khi được bổ nhiệm vào vị trí Phó Bí thư thành ủy Gia Hưng, ảnh hồ sơ và sơ yếu lý lịch của Hồ Hải Phong hoàn toàn "mất tích" trên cổng thông tin điện tử thành ủy Gia Hưng. Mãi sau này, thông tin mới được cập nhật thêm.

Tuy nhiên, chính sự xuất hiện với tần xuất đều đặn gần đây đã khiến giới truyền thông đặt nghi vấn về tư cách "ngôi sao chính trị tương lai" trên chính trường Trung Quốc của con trai ông Hồ Cẩm Đào.

Đặc biệt hơn nữa, Hồ Hải Phong được thăng chức ngay trên "sân nhà" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập giữ chức Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang trong 5 năm (2002 - 2007).

Trước đó, dư luận Trung Quốc cho rằng, nhằm ngăn chặn hiện tượng "tham quyền cố vị" đang xảy ra trên chính trường, ông Hồ Cẩm Đào đã không "níu kéo" ảnh hưởng khi chuyển giao quyền lực để ủng hộ ông Tập tại Đại hội ĐCSTQ khóa 18.

Vì vậy, việc Hồ Hải Phong đến nhậm chức ở Chiết Giang được cho là do mối quan hệ mật thiết giữa ông Tập và người tiền nhiệm.

Theo thông lệ, đối với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, làm việc ở cấp cơ sở là một trong những bước đi căn bản trong con đường thăng tiến về sau.

Theo đó, cùng với những động thái chính trị tích cực, con trai cựu Chủ tịch Trung Quốc đang được kỳ vọng sẽ trở thành ngôi sao chính trị mới trên chính trường nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại