Ngày 4/6/2018, Nhà Trắng đã tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ được tổ chức vào 9 giờ sáng ngày 12/6/2018 tại Singapore.
Người phát ngôn nhà Trắng Sarah Sanders nói: "Chúng tôi đang rất tích cực chuẩn bị cho cuộc gặp" và khẳng định đã đạt được tiến bộ đáng kể trong các cuộc thương lượng sơ bộ với Bình Nhưỡng. Như vậy, có thể nói cuộc gặp chắc chắn sẽ diễn ra đúng lịch trình và ông Trump sẽ không thay đổi quyết định một lần nữa.
Ông Trump vốn chống lại người tiền nhiệm Barack Obama trong vấn đề hạt nhân Iran, rất cần có được một kết quả thực sự trong cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, để chứng minh cho các cử tri Mỹ rằng ông đã đúng khi rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và đã làm một việc mà các đời Tổng thống Mỹ từ trước đến nay không làm được, đó là buộc Triều Tiên cắt giảm chương trình vũ khí hạt nhân.
Ông Trump cho rằng kết quả cuộc gặp gỡ này phải mang tính toàn diện, không đơn thuần chỉ là một thỏa thuận chấm dứt tình trạng chiến tranh với Triều Tiên mà là sự bảo đảm chắc chắn của Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân, cho phép thành sát tất cả các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên chứ không phải như trường hợp Iran.
Ông hy vọng rằng, kết quả này sẽ góp phần nâng cao uy tín cá nhân của ông, đặc biệt trong tình hình ông đang bị Cơ quan điều tra liên bang (FBI) tung ra các bằng chứng cáo buộc ông thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 và dính líu vào một số vụ bê bối khác.
Còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un thì hiểu rất rõ rằng, nhờ có vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên đã buộc Trump phải ngồi lại nói chuyện với ông. Mấy năm trở lại đây, Mỹ không hề có bất kỳ ý định nào đàm phán với Triều Tiên. Người Mỹ nghĩ rằng họ có thể bóp nghẹt chế độ Triều Tiên bằng cấm vận kinh tế và cô lập chính trị.
Bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt căng thẳng sau những cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo liên Triều. Ảnh: Getty
Kỳ vọng lớn
Có thể nói cho đến nay, mọi việc đang được diễn ra theo kế hoạch của Triều Tiên. Ông Kim Jong-un đã xây dựng được một sức mạnh hạt nhân chiến lược trên nền tảng của ông nội và cha ông để lại và bây giờ dùng con bài này để bước vào nói chuyện với đối thủ của mình.
Nội dung tuyên bố Panmunjom về "hoà bình, thịnh vượng và thống nhất bán đảo Triều Tiên" được đưa ra khi kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai ông Kim Jong-un và Moon Jae-in ngày 27/4/2018 là rất tích cực.
Hai bên thỏa thuận sẽ chấm dứt thù địch, khôi phục lại tuyến đường sắt nối Bình Nhưỡng với Seoul, ký Hiệp ước hoà bình và cùng nhau phấn đấu để thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, để nói về bước đột phá sắp tới trong quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng thì hãy còn quá sớm. Ông Kim Jong-un không phải là người đầu tiên nói về phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Ngoại giao Triều Tiên đã sử dụng cụm từ này từ thời cố Chủ tịch Kim Il-sung.
Nếu nhìn vào các văn kiện được công bố từ trước tới nay thì không hề có chỗ nào đề cập đến "phi hạt nhân hoá Triều Tiên" mà chính xác là "phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên". Điều đó có nghĩa là việc từ bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chỉ có thể được thực hiện trong trường hợp không còn mối đe dọa chiến tranh nào từ Mỹ và Hàn Quốc nữa.
Năm 1992, Triều Tiên và Hàn Quốc đã ký Tuyên bố chung về cắt giảm kho vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, trong đó hai bên cam kết chấm dứt các vụ thử hạt nhân và không phát triển loại vũ khí này. Tuy nhiên tuyên bố bày đã không thực hiện được do Mỹ và Hàn Quốc chỉ chĩa mũi dùi vào mục tiêu giải giáp hạt nhân của Triều Tiên.
Sau này, quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên căng thẳng, các thỏa thuận và các cuộc đàm phán đều thất bại là do Mỹ chỉ tập trung ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Rõ ràng nhất là Thỏa thuận khung năm 1994, Đàm phán sáu bên gồm Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga 2003-2006, Tuyên bố chung về các nguyên tắc phi hạt nhân hoá năm 2005.
Các nhà quan sát cho rằng, một trong những phương án Triều Tiên có thể chấp nhận là mô hình "Hợp tác cắt giảm đe dọa" (Cooperative Threat Reduction CTR) các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt giữa Mỹ và Liên Xô cũ.
Ở Nga, thỏa thuận này được thực hiện từ 1991 đến 2015. Ngày 23/4/2018, cựu nghị sỹ Mỹ Sam Nunn và Richard Lugar nói với báo Washington Post rằng, hình mẫu "Nunn-Lugar Soviet Nuclear Thread Reduction Act" năm 1991, gọi tắt là chương trình "cùng cắt giảm mối đe dọa CTR" sẽ thích hợp nhất với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Chương trình CTR được đưa ra trên cơ sở các Hiệp ước giải trừ quân bị SALT-1 và SALT-2 ký giữa Liên Xô và Mỹ năm 1972 và 1979 nhằm hạn chế chạy đua vũ trang, cùng cắt giảm các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân. Chương trình CTR do Thượng nghị sĩ Sam Nunn và Richard Lugar đề xuất và tháng 11/1991 được Quốc hội Mỹ thông qua và Liên bang Nga chấp thuận nhằm giải quyết các kho vũ khí hủy diệt WMD, đặc biệt là vũ khí hạt nhân của các nước cộng hoà thuộc Liên bang Xô Viết thừa hưởng sau khi Liên Xô tan rã gồm Nga, Ukraine, Georgia, Azerbaijan, Belarus và Kazakhstan.
CTR sẽ cung cấp tài chính, kinh nghiệm và các phương tiện kỹ thuật để di chuyển các loại vũ khí WMD của các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ về tập trung tại các kho chứa đảm bảo an toàn ở Nga, tiến tới cắt giảm và tiêu hủy các loại vũ khí này. Về phần mình, Mỹ sẽ có các biện pháp tăng cường an ninh biên giới trên đất liền cũng như trên biển của các nước cộng hoà Liên Xô cũ.
Tháng 6/ 2013, Mỹ và Nga đã ký một thỏa thuận song phương mới về giảm thiểu mối đe dọa thay thế cho CTR. Thỏa thuận mới này nhằm tăng cường quan hệ đối tác lâu dài giữa hai nước về không phổ biến vũ khí hủy diệt WMD. Thỏa thuận mới này được xây dựng trên cơ sở chương trình CTR năm 1991 giữa Mỹ và Nga đã hết hiệu lực. Khuôn khổ song phương mới này cho phép Mỹ và Nga hợp tác trong một số lĩnh vực gồm không phổ biến, gìn giữ an toàn, kiểm soát và kê khai các vật liệu hạt nhân.
Do Mỹ lợi dụng CTR để tập trung cắt giảm các loại vũ khí tấn công của Nga, không những không thực hiện nghĩa vụ của mình mà còn đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa ADM tại một số nước Đông Âu nhằm vào Nga, tháng 1/2015, Nga đã tuyên bố hủy bỏ chương trình này.
Bài học rút ra từ chương trình CTR giữa Mỹ và Nga cho thấy việc giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở bình đẳng. Để tỏ thiện chí, Triều Tiên có thể đưa ra một số nhượng bộ nhưng chắc chắn sẽ không từ bỏ hoàn toàn con át chủ bài vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng chỉ có thể chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân của mình một khi Mỹ và các nước đảm bảo chắc chắn về an ninh và công nhận chính thể của Triều Tiên.
Tình hình quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên qua các giai đoạn lịch sử
- Tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên bắt đầu năm 1945 khi Nhật Bản bại trận trong Thế chiến thứ hai, chấm dứt chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên bị chia cắt làm hai miền từ vĩ tuyến 38. Liên Xô kiểm soát phần phía Bắc, phía Nam nằm dưới sự bảo hộ của Mỹ.
- Tháng 6/1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Được sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc, Triều Tiên đã vượt vĩ tuyến 38 tấn công miền Nam, nhưng liên minh do Mỹ đứng đầu đã giữ được, dẫn đến việc ký kết Hiệp định đình chiến tháng 6/1953. Từ đó đến nay cuộc cấm vận của Mỹ đối với Triều Tiên vẫn chưa được dỡ bỏ, bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có hoà bình.
- Tháng 6/1994, căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng được lắng dịu khi Tổng thống Mỹ Jimy Carter tiến hành chuyến thăm lịch sử đến Triều Tiên. Bốn tháng sau chuyến thăm, tháng 10/1994, sau khi ông Kim Il-sung chết, con trai ông là ông Kim Jong-il lên thay, Mỹ và Triều Tiên đã ký một Hiệp định tay đôi, theo đó Triều Tiên cam kết đóng băng và hủy bỏ chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy các nhà máy hạt nhân phục vụ mục đích hoà bình.
- Năm 1999, sau khi phóng tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên, ông Kim Jong-il đã quyết định ngừng các vụ thử tên lửa, Mỹ giảm nhẹ các biện pháp cấm vận. Tháng 10/2000, Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright gặp Chủ tịch Kim Jong-il tại Bình Nhưỡng.
- Tình hình yên ổn giữa Washington và Bình Nhưỡng không kéo dài được bao lâu. Năm 2002 quan hệ hai nước lại trở nên căng thẳng khi Tổng thống Mỹ George Bush đặt Iran, Iraq và Triều Tiên vào "trục mà quỷ". Mỹ tố cáo Triều Tiên có chương trình làm giàu Uranium cấp độ cao, vi phạm thỏa thuận 1994.
- Tháng 8/2004, Triều Tiên tuyên bố ngừng đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân và gọi ông Bush là "tên bạo chúa tồi tệ hơn cả Hitler" và "ngu ngốc về chính trị". Năm 2006, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên.
- Tháng 10/2008, Mỹ xoá tên Triều Tiên khỏi danh sách các nước ủng hộ khủng bố để đổi lấy việc được giám sát tất cả các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Trước đó, năm 1988 Triều Tiên bị liệt kê vào danh sách khủng bố do bị tố cáo làm nổ chiếc máy bay hành khách của Hàn Quốc năm 1987, 115 người thiệt mạng.
- Quan hệ Mỹ-Triều Tiên bước vào một giai đoạn cực kỳ căng thẳng khi ông Donald Trump thắng cử trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Năm 2017 là một năm đầy sóng gió giữa hai nước. Ngay sau khi bước vào Nhà Trắng tháng 1/2017, ông Trump đã khẳng định Triều Tiên hoàn toàn không có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân có thể bắn tới lãnh thổ của Mỹ.
- Đáp lại, tháng 7/2017 Triều Tiên cho phóng hai quả tên lửa xuyên lục địa, ông Kim Jong-un khẳng định toàn bộ lãnh thổ của Mỹ nằm trong tầm tên lửa Triều Tiên. Ngày 8/8 cùng năm, Tổng thống Trump đe dọa tấn công Triều Tiên bằng "lửa và thịnh nộ".
- Bất chấp những lời đe dọa, ngày 28/8/2017, Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa bay qua không phận Nhật Bản và ngày 3/9/2017 Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu và thử thành công bom Hydrogene. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Trump đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên và gọi ông Kim Jong-un là "người đàn ông tên lửa" đang "tự sát". Ngày 23/9/2017, Mỹ đưa máy bay ném bom chiến lược đến sát bờ biển Triều Tiên để ngăn chặn khả năng Bình Nhưỡng tiến hành thử một vụ thử hạt nhân dưới biển Thái Bình Dương.
- Đáp lại hành động này, ngay lập tức Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ bắn hạ các máy bay của Mỹ và tố cáo ông Trump tuyên chiến với Triều Tiên. Ngày 26/9/2017, Washington áp đặt trừng phạt 8 ngân hàng và 26 cá nhân Triều Tiên bị tố cáo tham gia vào việc phát triển chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
- Tháng 2/2018, Thế vận hội mùa Đông ở thành phố Pyeongchang, Hàn Quốc đã chứng kiến sự xích lại gần nhau bất ngờ giữa hai miền Triều Tiên. 27/4/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp nhau tại Panmunjom ra tuyên bố về "hoà bình, thịnh vượng và thống nhất bán đảo Triều Tiên".
- Ngày 25/5/2018, Tổng thống Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo đúng lịch trình 12/6/2018 tại Singapore.
Tiêu đề do toàn soạn đặt lại.