Phi công NATO gặp khó khi chuyển đổi từ MiG-29 thời Liên Xô sang F-35

Hoàng Phạm |

Việc các nước châu Âu mua sắm máy bay F-35 đồng nghĩa với việc phi công của họ phải học cách vận hành dòng máy bay hiện đại. Tuy nhiên, đó sẽ là sự thay đổi không hề dễ dàng đối với các phi công đã quen sử dụng dòng máy bay do Liên Xô sản xuất.

Máy bay F-35A của Mỹ và Hà Lan bay trên bầu trời Hà Lan trong một cuộc diễn tập ngày 22/2/2022. Ảnh: Không quân Mỹ

Máy bay F-35A của Mỹ và Hà Lan bay trên bầu trời Hà Lan trong một cuộc diễn tập ngày 22/2/2022. Ảnh: Không quân Mỹ

F-35 đang nhanh chóng trở thành dòng máy bay chiến đấu được nhiều nước châu Âu lựa chọn cho lực lượng không quân vì những lợi thế cả về kỹ thuật và vận hành so với các dòng máy bay khác hiện có.

8 nước châu Âu hiện đang vận hành máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm hoặc đã đặt hàng loại máy bay này. Một số nước khác đang thảo luận việc mua F-35 trong tương lai gần.

Số lượng F-35 ngày càng gia tăng ở châu Âu cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều phi công phải học cách điều khiển dòng may bay mới. Tuy nhiên, sự vượt trội về kỹ thuật của F-35 khiến một số phi công, đặc biệt là những người từng huấn luyện để vận hành các máy bay do Liên Xô sản xuất, sẽ rất khó nắm bắt được sự thay đổi.

Bước chuyển thế hệ

Trong số 30 thành viên NATO, chỉ có Bulgaria, Ba Lan và Slovakia vẫn còn vận hành máy bay từ thời Liên Xô.

Trong số 3 nước kể trên, Ba Lan có nhiều nhất, hiện đang sử dụng 23 máy bay MiG-29 và 12 máy bay Su-22. Phần còn lại trong phi đội chiến đấu của Ba Lan gồm 36 máy bay F-16 do Mỹ sản xuất. Năm 2020, trong một nỗ lực hiện đại hóa không quân, Ba Lan đã đặt hàng 32 máy bay F-35A và đã có kế hoạch mua thêm 16 chiếc khác.

Việc sử dụng cả dòng máy bay do phương Tây sản xuất và các máy bay có nguồn gốc từ thời Liên Xô cho thấy lịch sử chính trị của Ba Lan với tư cách là một thành viên của khối Hiệp ước Warsaw trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và hiện đã trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cũng như NATO.

Dù vậy, sự kết hợp đó cũng khiến Ba Lan gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đưa F-35 vào phi đội máy bay của nước này, theo ông Billie Flynn, trung tá đã nghỉ hưu của Không quân Canada, đồng thời là phi công thử nghiệm cấp cao F-35.

Trong một cuộc phỏng vấn với Aviationist, ông Flynn đã giải thích về sự khó khăn của các phi công Ba Lan khi chuyển đổi giữa 2 dòng máy bay khác biệt này.

“Trong Không quân Ba Lan, có rất nhiều khác biệt giữa các phi công lái máy bay của Nga, khối Phương Đông với phi công lái F-16 của phương Tây, và các phi công của mỗi dòng không đảo vị trí cho nhau”, ông Flynn nói.

Theo ông Flynn, bất cứ phi công nào cũng sẽ phải đối mặt với với một “bước nhảy” khi chuyển sang F-35, một trong 4 loại máy bay thế hệ thứ năm đang vận hành trên thế giới.

Các phi công lái F-16, dòng máy bay do phương Tây sản xuất, có thể dễ dàng chuyển đổi sang dòng máy bay mới hơn, nhưng các phi công thuộc “khối Phương Đông” sẽ không may mắn đến thế.

Việc yêu cầu một phi công MiG-29 dù rất có năng lực “chuyển đổi sang ‘phi thuyền vũ trụ’ này là điều quá khó”, ông Flynn nói, đề cập đến F-35.

Khác biệt lớn giữa 2 dòng máy bay

F-16 và MiG-29 có thể sánh tương đương về mặt năng lực.

Mặc dù MiG-29 chủ yếu là máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không và F-16 là máy bay đa nhiệm, cả 2 đều là máy bay thế hệ thứ tư. Máy bay thời Liên Xô thực tế được chế tạo nhằm đối phó F-16 và F-15 của Mỹ.

Tuy nhiên, việc chuyển từ máy bay do Liên Xô sản xuất sang các loại máy bay hiện đại hơn của Mỹ đòi hỏi phải học hỏi các khả năng mới. Nó cũng đòi hỏi phải thay đổi theo một triết lý thiết kế hoàn toàn khác, khiến quá trình chuyển đổi trên thực thế gần như không thể thực hiện, theo ông Flynn.

“Cách chúng ta cơ giới hóa máy bay ở phương Tây khác với cách người Nga thiết kế máy bay của họ, khác biệt triết lý về cách lái máy bay, cách thiết kế buồng lái, cách xử lý thông tin”, ông Flynn nói với Aviationist.

Mặt khác, sẽ dễ dàng hơn khi một phi công F-16 chuyển đổi sang F-35, cả 2 đều do Lockheed Martin thiết kế và chế tạo và do máy bay tàng hình thế hệ thứ năm là một “bước tiến về mặt logic”.

“Điều đó không xảy ra với nhưng phi công lái MiG”, ông Flynn đánh giá.

Sau MiG-29 sẽ không còn dòng máy bay nào khác tương tự

Cả Ba Lan, Bulgaria và Slovakia đều gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì phi đội máy bay MiG-29. Ba Lan đã duy trì số lượng MiG-29 tương đương vớ F-16, nhưng qua thời gian và mối quan hệ ngày càng xấu đi với Nga khiến việc tìm kiếm khung thân thay thế và linh kiện máy móc trở nên khó khăn hơn. Cả 3 nước NATO còn vận hành MiG-29 đang dần loại biên dòng máy bay này.

“Tôi nghĩ đội phi công MiG của Ba Lan sẽ ngày càng thu hẹp dần, họ sẽ dành thời gian của mình với loại máy bay này cho đến khi MiG-29 bị loại bỏ hoàn toàn”, ông Flynn nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại