Phi công Mỹ nói về chiến dịch ném bom dịp Giáng sinh ở VN năm xưa: 'Giống như bước đi trên tên lửa'

Bình Giang |

Đó là một trong những trận oanh tạc ác liệt nhất trong lịch sử. Một chiến dịch sử dụng sức mạnh trên không áp đảo của Mỹ nhằm khuất phục đối thủ đầy quyết tâm. Quân đội Việt Nam dù thua xa về hoả lực, nhưng đã chống chọi được với bất kỳ thứ gì mà cỗ máy chiến tranh ném ra.

Trong chiến dịch ném bom mang tên Linebacker II, Mỹ huy động hơn 200 chiếc máy bay ném bom B-52 thực hiện hơn 730 chuyến để thả hơn 20.000 tấn bom xuống miền Bắc Việt Nam chỉ trong 12 ngày đêm của tháng 12/1972.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger khi đó nói rằng, chiến dịch tàn bạo này sẽ gây chấn động cho người Việt Nam “đến tận xương tuỷ”. “Họ sẽ rất ngạc nhiên”, Tổng thống Mỹ Richard Nixon trả lời Kissinger ngày 17/12/1972, trước khi chiến dịch diễn ra.

Chiến dịch đó được Mỹ gọi là “Ném bom Giáng sinh”, còn Việt Nam gọi là “12 ngày đêm” hay “Điện Biên Phủ trên không”. Khoảng 1.600 người Việt Nam bị giết hại ở một trong những chiến dịch đẫm máu nhất. Mỹ cũng hứng thiệt hại nặng nề. 15 chiếc máy bay thuộc phi đội tự hào của Mỹ bị bắn rơi, có ngày mất tới 6 chiếc, và 33 phi công Mỹ bị tiêu diệt.

Phi công Mỹ nói về chiến dịch ném bom dịp Giáng sinh ở VN năm xưa: Giống như bước đi trên tên lửa - Ảnh 1.

Phi công Mỹ Wayne Wallingford đứng trước một chiếc B-52 trong chiến tranh Việt Nam

Một số người cho rằng, chiến dịch này của Mỹ đã gây ra những cái chết vô ích. Các nhà sử học Mỹ đến nay vẫn tranh luận về ảnh hưởng của chiến dịch đối với tổng thể cuộc chiến. Nhưng với những phi công Mỹ, nửa thế kỷ trôi qua vẫn chưa làm mờ nỗi ám ảnh khi phải vượt qua tuyến phòng không của quân đội miền Bắc Việt Nam.

“Cảm giác như phải bước qua đầu tên lửa trên trời, khi có rất nhiều tên lửa chĩa vào mình”, một phi công Mỹ nghỉ hưu nhớ lại. Phi công này nói rằng, bầu trời đêm lúc đó sáng đến mức “có thể đọc báo trong buồng lái”. Phi công này vừa có cuộc trả lời phỏng vấn CNN , nhân dịp tròn 50 năm diễn ra chiến dịch.

Mỹ cho tiến hành chiến dịch ném bom vào ban đêm để hạn chế tối đa nguy cơ máy bay bị phát hiện. Những chiếc B-52 được điều đi từ U Tapao, Thái Lan và căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. Vì những phi công có thể quay về đều hạ cánh trong bóng tối, nên mãi hôm sau họ mới nhận ra ai đã ra đi không trở lại.

“Chúng tôi thấy những thùng chứa đồ đạc cá nhân của phi công bỏ mạng được chuẩn bị để chuyển về cho gia đình họ. Khi đó chúng tôi mới biết ai đã chết”, Wayne Wallingford, một sĩ quan chiến tranh điện tử làm việc tại căn cứ U Tapao, kể. Wallingford đã bay trên 7 chuyến B-52 để ném bom Hà Nội.

Trong 12 ngày, có 33 chiếc thùng như vậy được chuẩn bị. Đó là thiệt hại chưa từng có đối với Không quân Mỹ, cũng như phi đội ném bom B-52. “Sự tàn phá thật đáng kinh ngạc: 1.600 cơ sở quân sự, vài dặm đường sắt, hàng trăm xe tải và toa tàu, 80% nhà máy điện, vô số nhà máy và công trình dừng hoạt động”, sử gia về chiến tranh Việt Nam Pierre Asselin viết trong cuốn sách xuất bản năm 2018.

Lý do đằng sau chiến dịch ném bom ác liệt này là Tổng thống Mỹ Richard Nixon khi đó mới đắc cử, đang muốn chấm dứt cuộc chiến không được ủng hộ trước khi bắt đầu nhiệm kỳ 2 vào tháng 1 năm sau. Nixon tái đắc cử chỉ trước đó 1 tháng, với lời hứa sẽ đạt được “hoà bình trong danh dự với Việt Nam”, nhưng khi đó Hội nghị Paris đang rơi vào bế tắc.

Không như tính toán của Nixon, chiến dịch ném bom gây ra những tổn thất nặng nề, nhưng không thể thay đổi được lập trường của Việt Nam về các điều khoản trong hiệp định, đồng thời gây ra một làn sóng phản đối lớn trong dư luận Mỹ và thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

B-52

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại