Thời gian qua Bộ GTVT đã rà soát 88 trạm thu phí (Bộ quản lý 73 trạm) và thực hiện giảm phí cho nhiều trạm, người dân xung quanh khu vực có nơi được miễn phí. Tuy nhiên, tại một số dự án người dân vẫn không đồng tình và buộc nhà đầu tư phải đặt trạm về đúng vị trí.
Bởi theo họ, phí BOT thu sai 1 đồng cũng không đóng.
Không đi không trả tiền
Ông Nguyễn Tuấn, một doanh nghiệp vận tải ở huyện Văn Lâm (Hưng Yên), cho biết trạm thu phí QL5 được nâng cấp cải tạo hoàn thành năm 1998. Hiện tuyến đường đã thu hồi vốn nên cần phải bỏ trạm thu phí.
“Việc thu phí QL5 để đầu tư một dự án khác (cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) là vô lý. Người dân có đi 1 km đường nào đâu mà phải trả tiền? Quan điểm của tôi là không đi không trả tiền” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Có chung bức xúc, anh Hoàng Giang, ngụ Hà Đông (Hà Nội), cho biết hằng ngày anh đi trên đường Bắc Thăng Long, không đi vào tuyến đường tránh Vĩnh Yên nhưng vẫn phải trả phí qua trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài.
“Việc đặt trạm thu phí trên để hoàn vốn cho tuyến đường tránh khác là không thể chấp nhận. Nhà nước nên bỏ trạm này đi, đi đâu cũng gặp trạm thu phí thì dân và doanh nghiệp không ai chịu được!” - anh Giang nói.
Người dân ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cũng không chấp nhận giảm 50% mức phí qua trạm Cầu Rác. Theo họ, Trạm BOT Cầu Rác phải di dời vào đúng vị trí của dự án là tuyến tránh TP Hà Tĩnh, không thể đặt ở QL1A.
“Chúng tôi không cần giảm phí mà cần nhà đầu tư phải di dời trạm” - anh Nguyễn Văn Thông nói rõ.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ngoài những bức xúc trên, hiện nay còn có tình trạng phí chồng phí nhưng cơ quan nhà nước lại cho rằng đặt vấn đề như vậy là không phù hợp.
Nguyên nhân, toàn quốc có 575.000 km đường, trong đó quốc lộ là 23.000 km, các công trình BOT chỉ khoảng 2.000 km.
Nếu so sánh các công trình BOT chỉ chiếm 10% so với quốc lộ, so với toàn quốc chỉ chiếm khoảng 1% nên không có chuyện phí chồng phí. Tuy nhiên, ông Thanh khẳng định:
“Nếu nhìn tổng thể không có tình trạng này nhưng nhìn cụ thể vào từng tuyến thì có, ví dụ tuyến Hà Nội - Hải Phòng”.
Chính phủ sẽ quyết định
Để giải bài toán trên, theo ông Thanh, Nhà nước cần rà soát người dân thường xuyên di chuyển trên tuyến đường BOT. Nếu đóng phí BOT thì không đóng phí bảo trì đường bộ.
“Nghĩa là hai khoản phí Nhà nước chỉ được thu một khoản” - ông Thanh đề xuất.
Theo ông Thanh, đối với những trạm đặt đúng vị trí thì người dân nên chia sẻ vì Bộ đã giảm phí. Riêng các trạm đặt sai vị trí cần phải di dời vào đúng khu vực dự án.
“Nếu người dân không đi mà bắt phải đóng phí thì có giảm bao nhiêu họ cũng không chấp nhận” - ông Thanh khẳng định.
Theo đại diện Bộ GTVT, Bộ đã phối hợp với các đơn vị và địa phương thực hiện rà soát trạm thu phí trên toàn quốc.
Trong đó có ba trạm ngoài phạm vi dự án là trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa), Cầu Rác (Hà Tĩnh) và Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội); có sáu dự án đặt trên tuyến chính và nâng cấp cải tạo tuyến chính, đồng thời xây dựng tuyến tránh (như Cai Lậy).
Bộ đã thực hiện giảm phí tại nhiều trạm, đặc biệt là giảm 100% cho người dân quanh khu vực trạm nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận. Trong khi đó, nếu đặt vấn đề mua lại trạm thì ngân sách nhà nước không có.
“Để giải quyết dứt điểm, Bộ GTVT đã báo cáo tất cả nội dung trên để Chính phủ nắm và đưa ra quyết định. Đồng thời, Bộ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu.
Các dự án BOT nhà đầu tư đều phải bỏ tiền ra làm và họ phải thu hồi vốn. Phần mình, thời gian qua Bộ đã làm hết sức nhằm đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp” - vị này khẳng định.
Đến thời điểm hiện tại đã có 38/55 trạm BOT (đang khai thác) đã giảm giá vé cho phương tiện. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang rà soát với chủ đầu tư dự án để thống nhất điều chỉnh theo hướng giảm phí cho người dân trong vùng gần trạm và giảm chung cho các phương tiện.
Dự kiến đàm phán hoàn tất trong tháng 10 để đề xuất Bộ GTVT phê duyệt. Nếu thông qua, tháng 11 các trạm BOT sẽ giảm phí.