Thất bại, thành tựu và thách thức của Trung Quốc nhìn từ một thị trấn nhỏ
Khu mua sắm khổng lồ ở thị trấn Baigou thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc có đến 216 chiếc thang cuốn, theo InkStone.
Tại đây, mọi người có thể tham quan và mua sắm tại hơn 10.000 cửa hàng, và chỉ cần bỏ ra số tiền bằng chiếc vé xem phim để mua được một chiếc túi giống với hàng hiệu Louis Vuitton hay Gucci.
Được biết đến với cái tên Trung tâm Thương mại Quốc tế Hedao - chuyên buôn bán các mặt hàng vali và túi xách, khu mua sắm này tượng trưng cho giấc mộng tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường thương mại toàn cầu của thị trấn miền Bắc Trung Quốc này.
Tất nhiên, để có được những thành tựu như ngày hôm nay, Baigou đã phải vượt qua một chặng đường dài và đầy chông gai.
Theo những ghi chép về lịch sử của thị trấn này, thì họ cũng đã trải qua thời kỳ nạn đói và thảm họa cuối thập niên 1950 - đầu thập niên 1960 do kế hoạch công nghiệp hóa "Đại Nhảy Vọt" của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dưới thời cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông.
Khẩu phần ngũ cốc hàng ngày cho mỗi người nông dân ở Baigou đã giảm xuống dưới 100g vào năm 1960, điều này đã khiến người dân phải tìm cách trao đổi hàng hóa thông qua thị trường ngầm - dù đây là điều bị nghiêm cấm với những hình phạt nặng nề.
Vào thời điểm đó, có lẽ chẳng mấy ai tưởng tượng được ra rằng nơi kinh tế tư nhân từng bị cấm đoán sẽ trở thành khu vực được chính quyền địa phương tích cực thúc đẩy phát triển và tiến hành xây dựng các dự án lớn như Cảng thương mại quốc tế Baigou.
Những tờ thông báo tuyển dụng được dán kín trên một bảng tin ở Baigou. Ảnh: SCMP/Orange Wang
Quá khứ, hiện tại và cả tương lai của thị trấn Baigou chỉ là ví dụ nhỏ về những thất bại, thành tựu và thách thức mà nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã đạt được trong vòng 70 năm qua.
Trung Quốc có được "phép màu kinh tế" và đạt được những thành tựu như ngày hôm nay là nhờ chính sách "cải cách và mở cửa" của Đặng Tiểu Bình 40 năm trước. Họ hoàn toàn có quyền tự hào về những thành tựu và sự phát triển kinh tế thần kỳ trong 7 thập kỷ từ khi nước này được thành lập, nhưng những thất bại của quá khứ cũng là điều họ cần ghi nhớ.
Nhờ quyết định cải cách nền kinh tế, hơn 750 triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo. Tuy nhiên mô hình phát triển phụ thuộc vào lao động giá rẻ, kế hoạch nhà nước, nợ công ngày càng tăng và thậm chí cả đánh cắp sở hữu trí tuệ dường như đã sắp đến giới hạn.
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã bước sang tuổi 70 vào ngày 1/10 vừa qua, và rất nhiều người đang thắc mắc rằng liệu chính quyền Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng và chia đều những "trái ngọt" ấy cho 1,4 tỉ người dân hay không.
Một câu hỏi lớn hơn nữa, đó là liệu Trung Quốc đã có thể tìm ra con đường đúng đắn để khôi phục những vinh quang trong quá khứ của nước này, và hơn nữa là một mô hình phát triển thay thể để thách thức nền dân chủ tự do và thị trường tự do của phương Tây hay chưa?
Ảnh tư liệu: Tân Hoa Xã
70 năm "thử nghiệm"
Li Deshui, một nhà hoạch định kinh tế và từng là người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, từng bình luận trong một bài viết được đăng tải trong tháng 9 rằng Trung Quốc nên coi 7 thập kỷ qua là thời kỳ thử nghiệm để ĐCS Trung Quốc tìm ra đường hướng phát triển phù hợp cho đất nước.
"[Năm 1958] Trung chỉ có 650 triệu dân, và rất nhiều người trong số đó không đủ ăn, đủ mặc. Hiện tại chúng ta có đến 1,4 tỉ dân, và mọi người muốn ăn bao nhiêu cũng có. Thặng dư thép do Trung Quốc sản xuất hàng năm còn nhiều hơn tổng sản lượng thép của Mỹ", ông Li viết.
Ông Li lập luận rằng Trung Quốc, trong vai trò là nền kinh tế lớn nhất thế giới - nếu xét theo sức mua ngang giá - và nền kinh tế lớn thứ hai - xét theo giá trị đồng USD - đang tiến bước vững chắc trên con đường trở thành "quốc gia xã hội chủ nghĩa hùng mạnh" vào năm 2050 - một trong những mục tiêu thế kỷ trong giấc mộng Trung Hoa của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ảnh minh họa: AP/Andy Wong
Trung Quốc đạt điều này một phần là nhờ nguồn nhân lực khổng lồ của họ. Ước tính nguồn nhân lực lành nghề của Trung Quốc còn lớn hơn toàn bộ số người lao động được đào tạo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Và mặc dù ông Li không kỳ vọng Trung Quốc sẽ thế chân Mỹ trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất thế giới trong tương lai gần, nhưng ông này dự đoán rằng khi ảnh hưởng các cường quốc phương Tây bắt đầu suy yếu, Trung Quốc và những cường quốc mới nổi khác sẽ dần có tiếng nói hơn trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đã công khai bày tỏ ý kiến không đồng tình với sự lạc quan của ông Li.
Ông Minxin Pei, một giáo sư của trường Cao đẳng Claremont McKenna, từng bình luận trong một bài viết hồi tháng 9 vừa qua rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế trì trệ do căng thẳng trong mối quan hệ với Mỹ leo thang.
"Cái được gọi là sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc là kết quả của nguồn nhân lực rất lớn và trẻ tuổi của Trung Quốc, cùng với đó là quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tự do hóa thị trường và toàn cầu hóa - tất cả những yếu tố này đã, đang và sẽ dần suy yếu và biến mất", ông Pei lập luận.
Trung Hoa mộng của ông Tập đang đối mặt với "bộ ba hiểm họa"
Ở Baigou, những dấu hiệu khủng hoảng ngày càng hiện rõ.
Trong hàng ngàn thương hiệu, chỉ có một số rất ít được người tiêu dùng nhận diện, do đó việc cạnh tranh chủ yếu vẫn dựa trên giá cả. Thậm chí trong thời gian gần đây, số người bán còn nhiều hơn người mua.
Mặc dù Trung Quốc đã đạt đến một mức độ phát triển nhất định - GDP bình quân đầu người của nước này sắp đạt 10.000 USD - họ vẫn chưa biết liệu mình có thể thoát khỏi chiếc bẫy thu nhập trung bình (tức là không thể phát triển vượt quá một mức nhất định) hay không.
Ngân hàng Thế giới (WB) phân loại các quốc gia có GDP bình quân đầu người từ 996-12.055 USD là quốc gia có thu nhập trung bình.
Một cửa hàng ở Baigou. Ảnh: AFP/Johannes Eisele
Một người dân địa phương gần 70 tuổi có tên là Yan cho biết ông rất biết ơn về những điều ông đang có. Ông từng trải qua giai đoạn khó khăn của đất nước, khi bữa cơm tối có thêm một chiếc bánh mì cũng là điều xa xỉ.
"Ít ra thì tôi không phải lo bị đói nữa", ông Yan nói.
Tuy nhiên, là một người từng buôn bán vali nhiều năm, ông Yan tỏ ra lo lắng rằng thời kỳ hoàng kim của ngành kinh doanh này đã là dĩ vãng, do các chi phí tăng lên và số lượng đơn đặt hàng giảm xuống.
Lợi nhuận từ các mặt hàng vali và túi xách được sản xuất tại Baigou đã giảm xuống còn 117 triệu USD vào năm ngoái, thấp hơn mức đỉnh là 175 triệu USD trong năm 2017, theo dữ liệu của chính phủ.
Richard Koo, nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Nomura, cảnh báo rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc hiện đang đối mặt với "bộ ba hiểm họa": dân số già đi nhanh chóng, thách thức vượt qua bẫy thu nhập trung bình và xung đột với Mỹ ngày càng leo thang.
"Rất hiếm khi có một quốc gia vừa phải đối mặt với thách thức về nhân khẩu học, vừa phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình", ông Koo nói.
Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã
Tuy nhiên các học giả và nhà kinh tế học của Trung Quốc dường như vẫn khá lạc quan.
Justin Lin Yifu, một học giả ủng hộ việc chính phủ sử dụng chính sách công nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn có thể đạt gần 8% vào năm 2030.
Li Daokui, một giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, khẳng định rằng Trung Quốc sẽ có thể đạt mức thu nhập trung bình của các nước giàu vào năm 2049.
Sự lạc quan của họ không phải là vô căn cứ, bởi Trung Quốc vẫn còn nhiều cơ hội phát triển trong các ngành tiêu dùng và dịch vụ, hơn nữa ngành khoa học và công nghệ của Trung Quốc cũng đang phát triển nhanh chóng, tạo thêm nhiều động lực mới cho tăng trưởng.
Mặc dù tăng trưởng của Trung Quốc gần đây đã chậm lại, nhưng nền kinh tế trị giá 12 nghìn tỷ USD vẫn duy trì tăng trưởng ở tốc độ khoảng 6% - gấp 3 lần Mỹ - và là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tăng trưởng sản lượng kinh tế ở Trung Quốc trong năm nay sẽ lớn bằng toàn bộ nền kinh tế của Hà Lan.
Tuy nhiên, năng suất của Trung Quốc lại không hề được cải thiện, buộc Bắc Kinh phải dựa vào khoản nợ công ngày càng chất chồng để duy trì các hoạt động kinh tế.
Trong một báo cáo về kinh tế Trung Quốc vừa được công bố hồi tháng 9, WB đã đưa ra một ước tính ảm đạm về tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc rằng nó sẽ chậm lại chỉ còn 1,7% vào năm 2030, nếu như năng suất không được nâng cao.
Các biện pháp cải cách táo bạo hơn có thể giữ mức tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 4%, theo báo cáo này.
Tăng trưởng năng suất - thước đo hiệu quả kinh tế của Trung Quốc - đã giảm mạnh từ mức trung bình 3,5% trong một thập kỷ trước năm 2008 xuống còn khoảng 1,5% - sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Các cuộc tranh luận về tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã nóng lên kể từ khi ông Tập lên nắm quyền.
Theo ông Michael Hirson, cựu đại diện của Bộ Tài chính Mỹ tại Bắc Kinh, hiện đang đứng đầu nhóm bảo hiểm Eurasia Group, cho biết việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát các công ty tư nhân và tập trung nguồn lực cho các công ty nhà nước sẽ càng khiến các vấn đề trên trở nên khó giải quyết hơn, nhất là khi chính sách này có thể gây tổn hại tới niềm tin của các công ty tư nhân vào chính phủ Trung Quốc.
Đây là vấn đề đặc biệt đáng lưu tâm đối với Trung Quốc trong bối cảnh đầu tư Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối ngày càng gia tăng trên toàn cầu.