Phát xít Nhật bại trận nặng nề, làn sóng nổi dậy bùng lên ở khắp nơi nước ta

B.T sưu tầm, SGK Sử 12 |

Công cuộc chuẩn bị được gấp rút hoàn thành. Làn sóng nổi dậy bùng lên ở nhiều nơi, toàn dân tộc đã sẵn sàng đón chờ thời cơ vùng dậy tiến hành tổng khởi nghĩa.

Khởi nghĩa từng phần (từ tháng 3 đến giữa tháng 8-1945)

Đầu năm 1945, trên đường Hồng quân Liên Xô tiến đánh Béclin-sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức-một loạt nước châu Âu được giải phóng.

Ở Mặt trận châu Á-Thái Bình Dương, quân Đồng minh giáng cho quân Nhật những đòn nặng nề.

Ở Đông Dương, lực lượng Pháp theo Đờ Gôn ráo riết hoạt động, chờ thời cơ phản công quân Nhật. Mâu thuẫn Nhật-Pháp càng trở nên gay gắt.

Trước tình hình đó, quân Nhật ra tay trước. Vào lúc 20 giờ ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Quân Pháp chống cự yếu ớt ở một vài nơi rồi mau chóng đầu hàng. Sau khi hất cẳng Pháp, phát xít Nhật tuyên bố "giữa các dân tộc Đông Dương xây dựng nền độc lập". 

Chúng dựng lên Chính phủ Trần Trọng Kim và đưa Bảo Đại lên làm "Quốc trưởng". Thực chất phát xít Nhật đã độc chiếm Đông Dương, tăng cường vơ vét, bòn rút tiền của nhân dân ta và đàn áp dã man những người cách mạng.

Phát xít Nhật bại trận nặng nề, làn sóng nổi dậy bùng lên ở khắp nơi nước ta - Ảnh 1.

Lời kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít Nhật

Đang lúc Nhật đảo chính Pháp, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Đình Bảng  (Từ Sơn-Bắc Ninh). Ngày 12-3-1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Bản chỉ thị nhận định: 

Cuộc đảo chính đã tạo nên sự khủng hoảng chính trị sâu sắc, song những điều kiện tổng khởi nghĩa chưa chín muồi. Phát xít Nhật trở thành kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương. Khẩu hiệu "Đánh đuổi Pháp-Nhật" được thay bằn khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật".

Hình thức đấu tranh từ bất hợp tác xã, bãi công, bãi thị đến biểu tình, thị uy vũ trang, du kích và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi có điều kiện.

Hội nghị quyết định "phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiên đề cho cuộc tổng khởi nghĩa".

Ở khu căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân phối hợp với lực lượng chính trị của quần chúng giải phóng hàng loạt xã, châu, huyện. Tại những nơi này, chính quyền cách mạng được thành lập, các hội Cứu quốc được củng cố và phát triển.

Ở Bắc Kì và Bắc Trung Kì, trước thực tế nạn đói đang diễn ra trầm trọng do chính sách cướp bóc của Pháp-Nhật, Đảng đã đề ra khẩu hiệu "Phá kho thóc, giải quyết nạn đói". Khẩu hiệu đã đáp ứng nguyện vọng cấp bách của nông dân, tạo thành phong trào đấu ranh mạnh mẽ chưa từng có.

Hàng triệu quần chúng kéo đi phá kho thóc chống đói. Cuộc đấu tranh diễn ra dưới nhiều hình thức từ thấp đến cao. Có nơi, quần chúng đã giành được chính quyền. Phong trào diễn ra sôi nổi ở các tỉnh Quảng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Ninh bình, Nghệ An, Hà Tĩnh v.v…

Đồng thời, làn sóng khởi nghĩa từng phần dâng lên ở nhiều nơi. Việt Minh lãnh đạo quần chúng nổi dậy ở Tiên Du (Bắc Ninh, 10-3), Bần Yên Nhân (Hưng Yên,  11-3).

Ở Quảng Ngãi, tù chính trị ở nhà lao Ba Tơ nổi dậy, lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa, thành lập chính quyền cách mạng (11-3), tổ chức đội du kích Ba Tơ.

Phát xít Nhật bại trận nặng nề, làn sóng nổi dậy bùng lên ở khắp nơi nước ta - Ảnh 2.

Đội du kích Ba Tơ là tổ chức vũ trang đầu tiên ở Nam Trung Bộ ra đời sau cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (ngày 11-3-1945) do Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi lãnh đạo.

Hàng nghìn đảng viên, cán bộ cách mạng bị giam trong các nhà tù Nghĩa Lộ, Sơn La, Hỏa Lò (Hà Nội), Buôn Ma Thuật (Đắc Lắc), Hội An (Quảng Nam) đấu tranh đòi tự do hoặc nổi dậy phá nhà giam, vượt ngục ra ngoài hoạt động. Đó là nguồn bổ sung cán bộ quan trọng, là nhân tố thúc đẩy phong trào khởi nghĩa và tổng khởi nghĩa về sau.

Ở Nam Kì, phong trào Việt Minh hoạt động mạnh mẽ, nhất là ở Mĩ Tho và Hậu Giang.

Sự chuẩn bị cuối cùng trước ngày Tổng khởi nghĩa

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, từ ngày 15 đến ngày 20-4-1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kì. Hội nghị quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang, phát triển hơn nữa lực lượng vũ trang và nửa vũ trang; mở trường đào tạo cấp tốc cán bộ quân sự và chính trị; tích cực phát triển chiến tranh du kích, xây dựng chiến khu, chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. 

Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kì được thành lập, có nhiệm vụ chỉ huy các chiến khu ở Bắc Kì và giúp đỡ cả nước về quân sự.

Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam và Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp.

Thực hiện quyết nghị của Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kì, ngày 15-5-1945, Việt Nam Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thống nhất thành Việt Nam Giải Phóng quân. Nhiều chiến khu của Trung ương và khu căn cứ của địa phương được xây dựng.

Tháng 5-1945, Hồ Chí Minh rời Pác Pó về Tân Trào Tuyên Quang. Người chọn Tân Trào làm trung tâm chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước.

Phát xít Nhật bại trận nặng nề, làn sóng nổi dậy bùng lên ở khắp nơi nước ta - Ảnh 3.

Bác Hồ trong một lần về thăm lại Tân Trào

Ngày 4-6-1945, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, khu giải phóng chính thức được thành lập, gọi là Khu giải phóng Việt Bắc; gồm hầu hết các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng thuộc các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên. 

Tân Trào được chọn làm thủ đô của Khu giải phóng. Ủy ban lâm thời Khu giải phóng được thành lập. Khu giải phóng Việt Bắc trở thành căn cứ địa chính của cách mạng cả nước và là hình thức thu nhỏ của nước Việt Nam mới.

Công cuộc chuẩn bị được gấp rút hoàn thành. Toàn dân tộc đã sẵn sàng đón chờ thời cơ vùng dậy tiến hành tổng khởi nghĩa.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 12, trang 112-114.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại