Lãng phí thực phẩm đang trở thành một vấn đề rất lớn trong xã hội hiện đại. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc (UN), thì 1/3 lượng thực phẩm sản xuất ra trên thế giới mỗi năm đã bị lãng phí. Và con số này tương đương với 1,3 tỉ tấn.
Đây thực sự là một nghịch lý. Ở đâu đó trên Trái đất này, có người cả một ngày chẳng có lấy mẩu bánh vào bụng. Ở một nơi khác, hàng tấn đồ ăn kết thúc số phận trong thùng rác.
Con người hiện đang lãng phí lượng thực phẩm rất lớn
Và khi quy ra tiền, thì việc lãng phí thực phẩm gây thiệt hại tới 680 tỷ đô la mỗi năm ở các nước phát triển, và 310 tỷ ở các nước đang phát triển. Số chi phí bị "bốc hơi" này bao gồm phí cho việc sản xuất, chế biến, vận chuyển, và xử lý lượng thực phẩm thừa bị biến thành rác.
Hiện tượng lãng phí thực phẩm xuất hiện ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, có lẽ tất cả chúng ta sẽ phải đồng ý rằng nơi lãng phí nhất chính là các bữa tiệc buffet.
Dễ hiểu thôi, vì khi đã trả tiền, chúng ta có quyền ăn bất kỳ thứ gì, ăn bao nhiêu tùy thích. Và vì bản chất con người rất dễ "no bụng đói con mắt", đâm ra chuyện thực khách lấy thừa đồ và bỏ lại là rất thường xảy ra.
Tại các bữa tiệc buffet thường xuyên xảy ra tình trạng "bụng đã no nhưng mắt còn đói"
Biện pháp mạnh dành cho thói quen lãng phí
Để hạn chế tình trạng không hay này - vốn vừa gây lãng phí thực phẩm, vừa không có lợi cho việc kinh doanh - nhiều nhà hàng buffet trên khắp thế giới đã ra quy định đánh trực tiếp vào "túi tiền" của thực khách đối với lượng thức ăn không dùng hết.
Chẳng hạn nhà hàng Kylin Buffet tại London, Anh vào năm 2012 đã đưa ra quy định tính thêm 32 USD (khoảng hơn 600.000 VND) đối với thực khách nào để thừa thức ăn. Hay nhà hàng Patrizietta ở Losone, Thụy Sĩ vào năm 2014 cũng tính thêm 5 franc (hơn 20.000VND) đối với những thực khách "mắt to hơn bụng".
Và còn rất nhiều nhà hàng khác nữa tại Saudi Arabia, Đức, Mỹ, Thái Lan, Singapore... đã áp dụng hình thức thu phí phạt này.
Về lợi ích, ông Guoyu Luan, chủ nhà hàng buffet sushi Yuoki tại thành phố Stuttgart, Đức cho biết kể từ khi áp dụng chính sách phạt 1 euro đối với thực khách lãng phí thực phẩm vào năm 2014, thì trong 2 năm ông đã thu được số tiền phí khoảng 900 euro (khoảng 24 triệu đồng).
Khoản tiền này cũng không thấm vào đâu, nhưng dù sao nó cũng giúp nhiều người tỏ ra ý thức hơn với những gì nên làm khi ăn buffet. Ít nhất thì cũng chẳng ai muốn mất tiền oan, nên phải cố mà ăn cho hết, và lần sau định lượng sẵn khả năng ăn uống của mình.
Đánh vào "túi tiền" của thực khách là một cách khá mạnh để chống tình trạng lãng phí đồ ăn
Tuy nhiên liệu hình thức phạt tiền có thể đem lại hiệu quả lâu dài giúp giảm tình trạng lãng phí thực phẩm hay không?
Chính sách này tuy khiến thực khách phải cân nhắc kĩ hơn trước khi lấy đồ ăn - nếu họ không muốn phải tốn thêm tiền - nhưng nó lại dễ gây tâm lý không thoải mái khi các vị khách cảm thấy không còn là "thượng đế". Và đôi khi việc bắt buộc đóng phạt lại dễ gây nên xung đột giữa thực khách và nhân viên, vốn là điều tối kị với bất kì nhà hàng nào.
Tình trạng này thực tế đã xảy ra tại nhà hàng Kylin Buffet vào năm 2012, khi một gia đình ba người sau khi tốn một khoản tiền cho bữa ăn buffet đã rất khó chịu với mức phạt. Và cuối cùng, họ không chấp nhận việc nộp phí.
Vậy nên, một số nhà hàng lại áp dụng chính sách khác, đó là "khen thưởng". Đó là trường hợp được trích dẫn trong cuốn sách "Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ" về một người chủ nhà hàng buffet tại Trung Quốc tên Tiểu Triệu.
Ông không chọn cách tính thêm phí cho thực phẩm dư, mà nâng giá ăn buffet cho mỗi thực khách từ 35 lên 38 tệ - vốn là một mức tăng chấp nhận được. Và 3 tệ (khoảng 12 ngàn đồng) dư ra từ mỗi khách sẽ được dùng để tạo ra một số món quà mỹ nghệ dành tặng cho người không để thừa thức ăn.
Món quà tặng sẽ được định hướng cho phù hợp với từng thực khách. Ví dụ như những cặp đôi sẽ được tặng búp bê tình nhân, hoặc các gia đình có con nhỏ sẽ được nhận những món đồ chơi xinh xắn.
Việc tặng quà này đã đánh đúng vào tâm lý luôn muốn được khen ngợi của con người. Và vì thế việc lãng phí thực phẩm tại nhà hàng không những được giải quyết mà còn khiến cho việc kinh doanh phát đạt hơn.
Vậy theo bạn, hình thức "phạt" hay "khen" sẽ đem đến tác động thiết thực hơn trong việc chống lãng phí thực phẩm tại các nhà hàng buffet nói riêng, và trong cách sử dụng thực phẩm hiện tại của chúng ta nói chung? Hãy cho chúng tôi biết quan điểm của bạn trong phần bình luận nhé.
Nguồn: Howstuffworks, Odditycentral