"Phát huy vai trò giám sát của QH chính là kiểm soát quyền lực hiệu quả"

Tuấn Nam |

Theo ông Vũ Mão, chức năng giám sát của Quốc hội gắn bó rất mật thiết với kiểm soát quyền lực. Phát huy vai trò giám sát của cơ quan này chính là tăng cường kiểm soát quyền lực có hiệu quả.

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV kéo dài hơn 1 tháng chuẩn bị kết thúc. Với hàng loạt vấn đề "nóng" như vụ Trịnh Xuân Thanh, trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng sau kết luận của UBKTTW, tại kỳ họp này, phần chất vấn và trả lời chất vấn giữa các ĐBQH và các thành viên Chính phủ càng được dư luận quan tâm đặc biệt.

Để có góc nhìn toàn diện hơn về những vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm VPQH.

"Cần những câu trả lời cụ thể hơn nữa"

PV: Tại kỳ họp thứ nhất, hẳn nhiều người khó có thể quên được việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề ra mục tiêu chuyển từ Quốc hội tham luận sang một Quốc hội thảo luận.

Theo ông, việc ĐBQH có thêm quyền tranh luận ở hội trường sẽ góp phần thay đổi không khí nghị trường như thế nào?

Ông Vũ Mão: Chủ trương cho các ĐBQH được giơ phiếu tranh luận về những vấn đề chưa thoả mãn với người bị chất vấn là điều rất tốt.

Qua đó làm rõ hơn nhiều vấn đề, khiến cho các vấn đề được tranh luận có chiều sâu hơn. Từ đó các ĐBQH cũng có cảm hứng và thấy mình có trách nhiệm tham gia vào diễn đàn đó hơn.

- Ông đánh giá chất lượng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Quốc hội khoá XIV như thế nào?

- Phần chất vấn tại hội trường, tôi cho rằng số ĐBQH chất vấn sắc sảo đạt khoảng 30%, chất vấn ở mức trung bình khoảng 50%, 20% số ý kiến còn dài dòng.

Về phần trả lời của các Bộ trưởng, tôi cho rằng, các vị Bộ trưởng lần đầu trả lời chất vấn đã có nhiều cố gắng. Nếu đánh giá chất lượng thì theo tôi là ở mức 50-60%. Còn về chất lượng trả lời chất vấn của Thủ tướng đạt mức 80%.

Phát huy vai trò giám sát của QH chính là kiểm soát quyền lực hiệu quả - Ảnh 1.

Với việc đi thẳng vào vấn đề và có chất lượng, phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được mọi người đánh giá cao (Ảnh: Hoàng Anh)

- Con số 80% có thể được lý giải như thế nào, thưa ông?

- Trước tiên tôi nói về phương thức làm việc ở QH. Theo tôi, thời gian quá eo hẹp. Từ đó chi phối đến chất lượng.

Ngay cả việc Thủ tướng trả lời chất vấn (có chất lượng và đi thẳng vào vấn đề) được mọi người đánh giá cao, nhưng có nhiều vấn đề không đủ thời gian cho người đứng đầu Chính phủ trình bày một cách sâu sắc và hoàn chỉnh. 

Do không đủ thời gian, giải pháp an toàn là Chủ toạ đề nghị trả lời bằng văn bản. Đây vẫn là cách làm cũ và như thế thì làm sao đi đến cùng được?

Theo tôi, chất vấn và trả lời chất vấn là nội dung vô cùng quan trọng, nhân dân cả nước chờ đợi. Chính vì thế, cần phải chọn ra những vấn đề cốt lõi nhất. Vừa qua, tuy nói là đã chọn lọc nhưng vẫn còn rộng nên bị phân tán.

- Theo ông, nếu có thêm cho thời gian cho Thủ tướng thì mức điểm không chỉ có vậy?

- Đúng thế. Nếu có thêm thời gian cho Thủ tướng, mà với cách trả lời chất lượng và đi thẳng vào vấn đề của người đứng đầu Chính phủ thì tôi tin sẽ có nhiều vấn đề sẽ được đi đến cùng. 

Chúng ta mong muốn, qua trả lời chất vấn có những giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn. Đây chính là đòi hỏi nói đi đôi với làm.

Ví dụ như các ĐBQH đặt vấn đề là phải có những giải pháp cho các dự án trong tình trạng lãng phí nhiều nghìn tỉ đồng khiến dư luận bức xúc, Thủ tướng cũng đã nói tới phải kiên quyết giải quyết.

Nhưng cái mà dư luận và người dân cần bây giờ là hướng giải quyết cụ thể cho từng dự án như thế nào, không thể nói chung chung được.

Cá nhân tôi mong phần trả lời của Thủ tướng bên cạnh thái độ dứt khoát và kiên quyết thì vẫn cần cụ thể hơn nữa. Và để có được sự cụ thể này thì cần đến một trong những yếu tố rất quan trọng là thời gian.

Là người rất lắng nghe, tôi tin Thủ tướng sẽ có những thay đổi trong phần trả lời chất vấn ở các kỳ họp sau.

- Thời gian cho việc chất vấn và trả lời chất vấn không phải là vấn đề mới mà đã được nhiều lần bàn đến. Phải chăng QH nên giảm số lượng Bộ trưởng trả lời chất vấn để tăng thời gian cho các vấn đề cần đi đến tận cùng?

- Trước đây có lúc lên đến 6 vị trả lời chất vấn, hậu quả là loãng. Bây giờ giảm xuống 4 vị thì tốt hơn trước, nên phát huy cách thức này.

Ngoài ra, thời gian chất vấn vẫn có thể tăng được (dù khung thời gian tổng cho kỳ họp không đổi). 

Đó là chúng ta có thể giảm thời gian thảo luận ở tổ. Theo tôi, cần đánh giá kỹ càng việc có nên thảo luận về kinh tế - xã hội ở tổ để có thêm thời gian cho nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.

Phát huy vai trò giám sát của QH chính là kiểm soát quyền lực hiệu quả - Ảnh 2.

Kết luận của UBKTTW đối với ông Vũ Huy Hoàng là một trong những chủ đề làm nóng hành lang Quốc hội (Ảnh: Thuỳ Dương)

Quốc hội cần giám sát chặt chẽ hơn

- Thời gian qua, những vấn đề thời sự khác như hai vị cán bộ đi chữa bệnh ở nước ngoài không về, kết luận của UBKTTW đối với ông Vũ Huy Hoàng cũng là những chủ đề làm nóng hành lang Quốc hội. 

Câu hỏi kiểm soát quyền lực cũng đã được đặt ra. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào khi một trong những chức năng rất quan trọng của Quốc hội là giám sát?

- Công tác quản lý cán bộ của chúng ta chưa tốt trên nhiều góc độ.

Ở Hội nghị Trung ương 4 có nói đến tới vấn đề kiểm soát quyền lực, tôi rất đồng tình. Nhưng đặt ra câu hỏi về cách thức kiểm soát quyền lực như thế nào lại là một bài toán phải có lời giải thoả đáng chứ không thể nói chung chung như vừa qua.

Về kiểm soát quyền lực có nhiều vấn đề nhưng ở góc độ Quốc hội, tôi hiểu rằng chức năng giám sát gắn bó rất mật thiết với kiểm soát quyền lực. Mà có lẽ cơ quan có vai trò kiểm soát quyền lực một cách chính tắc và có điều kiện, tính pháp lý chặt chẽ chính là Quốc hội.

Vì thế, theo tôi, cần phát huy vai trò giám sát của Quốc hội để tăng cường kiểm soát quyền lực. Lâu nay, công việc này mới chỉ được làm ở một mức ít ỏi. Nếu chúng ta nâng tầm nhiệm vụ này với một yêu cầu cao hơn thì tôi tin sẽ có sự thay đổi lớn.

- Vừa qua, liên quan đến xử lý kỷ luật cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, 3 cơ quan của Quốc hội gồm Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp và Ban Công tác Đại biểu dường như đã tốn không ít công sức. 

Ông có cho rằng sự khớp nối giữa công tác giám sát và công tác xử lý cán bộ của chúng ta đang không thật trơn tru?

- Theo tôi, cần phân tích sâu sắc vấn đề này. Có lẽ, nhận thức của chúng ta về xây dựng nhà nước pháp quyền còn hạn chế, chưa biết cách vận dụng, xử lý thuần thục các vấn đề mà cuộc sống đặt ra. 

Một vài vị có trách nhiệm phát ngôn tỏ ra lúng túng và nói rằng khó quá vì những vấn đề này chưa có tiền lệ, đòi bổ sung pháp luật mới xử lý được.

Một trong những vấn đề cơ bản trong hoạt động tư pháp là nguyên tắc suy đoán vô tội. Có nghĩa là chưa điều tra và chưa có kết luận của cơ quan tư pháp thì chưa thể nói là phạm tội.

Vận dụng trong trường hợp này, cựu quan chức là một công dân và phải thực thi pháp luật như tất cả các công dân khác. Thái độ của Đảng là kiên quyết nhưng không làm thay. Các cơ quan tư pháp phải vào cuộc theo chức trách, nhiệm vụ của mình.

Trên cơ sở những kết luận của các cơ quan tư pháp thì chúng ta mới có thể biết ông Vũ Huy Hoàng vi phạm đến đâu và cần phải xử lý đến đâu. Làm như thế là cần thiết và khách quan.

Xin cám ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại