7 năm ròng rã tìm cách trục vớt con tàu ma
Năm 2011, Cơ quan Quản lý Di sản Văn hóa Thành phố Thượng Hải (SMCHA) bắt đầu tiến hành khảo sát di sản văn hóa dưới nước của thành phố. Vào năm 2015, một “vật thể lạ” ở Cửa sông Dương Tử số 2 đã được phát hiện bằng các công nghệ cao, bao gồm cả quét siêu âm.
Các chuyên gia đã phát hiện dưới đáy sông chứa xác một con tàu đắm lớn, dài 38 mét. Quá trình trục vớt chính thức bắt đầu tại Thượng Hải vào tháng 3 năm 2022, sau hơn 6 năm điều tra khảo cổ học dưới nước. Các cuộc điều tra chỉ ra rằng đây là xác tàu dưới nước lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất từng được tìm thấy ở Trung Quốc.
Quá trình trục vớt tàu diễn ra vô cùng cẩn thận và được tính toán bởi các nhà khảo cổ, chuyên gia hàng đầu. Dự án áp dụng công nghệ đầu tiên trên thế giới sử dụng chùm tia hồ quang để tạo ra sự di chuyển không tiếp xúc. Công nghệ này được phát triển nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tới tính vẹn nguyên của xác tàu cũng như các đồ cổ bên trong.
Trung Quốc đã sử dụng một tháp chìm hình bán trụ nặng 8.800 tấn được hỗ trợ bởi 22 dầm hình vòng cung khổng lồ để nâng tàu lên trên mặt đất. Sau nhiều ngày, cột buồm của tàu cửa sông Dương Tử số 2 nổi lên. Con tàu được cho là một tàu buôn được đóng vào thời Đồng Trị (1862-1875) của nhà Thanh, có 31 phòng. Con tàu đắm có chiều dài khoảng 38,5 mét và rộng 7,8 mét ở điểm rộng nhất, đã bị chìm ở độ sâu 5,5 mét dưới đáy sông trong hàng trăm năm.
Con tàu gỗ 150 năm tuổi được đặt tên là Tàu cửa sông Dương Tử số 2. Đây là con tàu đầu tiên được trục vớt khỏi vùng biển Trung Quốc sau 15 năm, kể từ khi tàu Nam Hải số 1 được trục vớt năm 2007.
Nhiều người tin rằng con tàu được trục vớt là một chiếc thuyền "sha chuan", một loại tàu đáy phẳng trước đây được sử dụng để buôn bán do khả năng chịu tải lớn. Những chiếc thuyền này rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành vận tải biển Thượng Hải.
Ngay từ trước khi tàu được trục vớt, một bảo tàng hàng hải đã được xây dựng ở gần đó để phục vụ riêng cho con tàu. Các di vật, xác tàu và thậm chí cả bùn kèm theo sẽ là đối tượng nghiên cứu khảo cổ học tại đây trong thời gian dài.
Những “kho báu” vô giá được tìm thấy trong tàu
Đúng như mong đợi và dự đoán, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những di vật vô giá bên trong.
Con tàu có 31 cabin và chở theo một số lượng lớn các di vật văn hóa tinh xảo, như đồ sứ được làm trong lò nung ở Cảnh Đức Trấn, một “thủ đô sứ” nổi tiếng thế giới ở tỉnh Giang Tây, phía đông Trung Quốc.
Theo Liu Zheng, thành viên của Học viện Di tích Văn hóa Trung Quốc thì các cổ vật cho thấy có sự trao đổi văn hóa liên tục giữa Trung Quốc và phương Tây. Chẳng hạn, đồ sứ tráng men màu xanh lá cây quý hiếm được sản xuất tại Cảnh Đức Trấn của Trung Quốc lấy cảm hứng từ kỹ thuật chế tạo đồ sứ của châu Âu. Giá trị lịch sử và văn hóa của hàng trăm món đồ bên trong thuyền là không thể đo đếm được.
Các nhà lịch sử học, khảo cổ học Trung Quốc vẫn đang tiếp tục miệt mài nghiên cứu các kho báu dưới đáy sông Dương Tử và công việc này dự tính còn tốn rất nhiều năm.
Việc trục vớt Tàu cửa sông Dương Tử số 2 là một cột mốc quan trọng trong lịch sử khảo cổ học dưới nước của Trung Quốc. Theo các chuyên gia, với số lượng lớn các di tích văn hóa trên tàu, nó hỗ trợ nghiên cứu về công nghệ đóng tàu thuyền buồm bằng gỗ lớn, cũng như nghiên cứu về gốm sứ và lịch sử kinh tế thời nhà Thanh.
Theo ông Fang Shizhong, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Di sản Văn hóa Thành phố Thượng Hải, đây là trường hợp đầu tiên ở Trung Quốc mà việc khai quật, nghiên cứu và xây dựng bảo tàng được tiến hành đồng thời đối với một vụ đắm tàu. Phát hiện khảo cổ về Tàu cửa sông Dương Tử số 2 mở rộng hiểu biết về lịch sử và có thể hé mở ra rất nhiều bí mật về quá khứ.