Thiên thạch rộng 12km đã va vào trái đất 66 triệu năm trước và khiến 75% sự sống trên hành tinh bị hủy diệt - CNN dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Texas đăng trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (PNAS). Nghiên cứu cho biết sự kiện này đã gây ra cháy rừng ở cách xa gần 1.500km, và một trận sóng thần tàn phá.
Nhiều con khủng long đã chết vào ngày hôm đó, nhưng những con còn lại có thể đã chết vì sự sụp đổ của khí quyển sau đó. Các nhà khoa học cho rằng trái đất đã nguội đi đáng kể sau khi lưu huỳnh phát tán vào khí quyển, ngăn cản mặt trời và giết chết sự sống.
Nghiên cứu mới dựa trên những hòn đá thu thập được vào năm 2016 ở Hố thiên thạch Chicxulub, ngoài khơi bán đảo Yucatan, Mexico.
Giáo sư Sean Gulick, người đứng đầu công trình nghiên cứu, nói với CNN: "Đối với cá nhân tôi, việc thu thập thành công những hòn đá từ miệng núi lửa Chicxulub là thành quả của nhiều năm viết đề xuất và lên kế hoạch".
Giáo sư Gulick nói thêm, dự án đem đến một cơ hội đáng chú ý cho các nhà địa chất học bởi 130 mét đá trong miệng núi lửa là bằng chứng cho các sự kiện trong ngày mà tiểu hành tinh khổng lồ va vào trái đất . Thông thường, một xăng-ti-mét đá đại diện cho 1.000 năm.
Từ sự đa dạng của các loại đá giàu lưu huỳnh gần miệng núi lửa, Gulick và nhóm của ông kết luận rằng tiểu hành tinh đã làm bốc hơi bất kỳ lưu huỳnh nào có trước đó.
Nhóm của giáo sư Gulick ước tính, 325 tỉ tấn lưu huỳnh đã bị đẩy vào khí quyển sau tác động của vụ va chạm kinh hoàng.