Theo Business Insider, ông Kim Darroch - Đại sứ Anh tại Mỹ từng buộc phải từ chức sau khi gọi tổng thống Mỹ Donald Trump là người "bất tài" - đã được cựu Thủ tướng Therasa May bổ nhiệm làm thành viên của Thượng viện Anh, hay còn gọi là "Viện Quý tộc".
Ngày hôm qua (10/9), bà May đã công bố danh sách bổ nhiệm danh dự khi từ chức. Đây là truyền thống trong chính trị Anh khi một thủ tướng nghỉ hưu phong các danh hiệu như hiệp sĩ và tước hiệu Quý tộc cho những người mà họ lựa chọn.
Danh sách này bao gồm ông Darroch và nhờ đó, đại sứ này sẽ là thành viên trọn đời của Viện Quý tộc cũng như được phong tước Quý tộc.
Ông Darroch trở thành đại sứ Anh tại Mỹ vào năm 2016 dưới thời tổng thống Barack Obama. Ông tiếp tục công tác tại vị trí này sau khi ông Trump đắc cử nhưng hồi tháng 7 vừa qua, ông Darroch đã tuyên bố từ chức sau khi một vụ rò rỉ thông tin của chính phủ Anh đã khiến ông Trump tức giận.
Cụ thể, trong một đoạn thông điệp, ông Darroch đã gọi ông Trump là "bất tài", "yếu kém" và chính quyền Mỹ hiện tại "thiếu năng lực". Đại sứ Anh còn cho rằng ông Trump "mắc nợ nước Nga" và lo ngại Mỹ sẽ tấn công Iran dưới thời tổng thống Trump.
"Chúng tôi không thực sự tin rằng chính quyền này sẽ trở nên bình thường hơn, ít rối loạn hơn, ít khó đoán hơn, ít phe phái hơn, ít vụng về trong ngoại giao hơn," ông Darroch viết.
Vụ rò rỉ thông tin đã khiến ông Trump nổi giận và nói "sẽ không bao giờ làm việc với ông Darroch nữa".
"Tôi không biết vị đại sứ này, nhưng ông ta không có suy nghĩ đúng đắn về nước Mỹ. Chúng ta sẽ không bao giờ làm việc với ông Darroch nữa," ông Trump viết trên Twitter cá nhân.
Giữa bối cảnh căng thẳng, ông Darroch tuyên bố từ chức nhưng vẫn chưa đưa ra ngày cụ thể. Hiện tại, ông Darroch vẫn làm đại sứ trong khi chính phủ Anh đang tìm người thay thế. Tuy nhiên, theo kế hoạch ông Darroch sẽ ngừng công tác vào cuối năm 2019.
Sau khi đại sứ Anh tuyên bố từ chức, ông Trump dường như thay đổi quan điểm về ông Darroch và chúc ông hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Trái với tên gọi, Hạ viện Anh (hay Viện Thứ dân) mới là nơi có nhiều quyền lập pháp hơn và là nơi thành lập chính phủ. Tại đây, các đại biểu được dân bầu không kể nguồn gốc xuất thân và tầng lớp xã hội.
Trong khi đó, Thượng viện Anh (hay Viện Quý tộc) là nơi các chính khách được bổ nhiệm dành phần lớn thời gian để kiểm soát các đạo luật được thông qua bởi Hạ viện.