Kết quả nghiên cứu mới công bố của nhà sinh vật biển Julius Nielsen (Đan Mạch) cho thấy ông và các đồng nghiệp đã tìm ra được động vật có xương sống sống lâu nhất thế giới: cá mập Greenland.
Bằng cách phân tích thủy tinh thể trong mắt chúng, nhóm nghiên cứu đã ước lượng được tuổi đời của mỗi con cá mập thuộc loài này trung bình là 300 tuổi.
Tuy nhiên, con số này có thể khác biệt nhiều ở từng cá thể. Chúng có thể chết già ở độ tuổi từ 272 đến 512 tuổi, tức có con đã vượt qua mốc nửa thiên niên kỷ. Con cá mập già nhất còn sống mà nhóm nghiên cứu ghi nhận được là 392 tuổi.
Một thợ lặn bên cạnh cá mập Greenland - ảnh: INTERNET
Loài cá mập kỳ dị này cũng trưởng thành khá chậm. Một con cá mập cái đến 150 mới dậy thì xong xuôi!
Phát hiện này gây ngạc nhiên, bởi tuổi thọ của loài cá này vượt xa hai loài động vật có xương sống được cho là sống thọ nhất từ trước đến nay là cá voi đầu trắng (khoảng 200 tuổi) và rùa khổng lồ Galapagos (152 tuổi).
Đây là loài quái vật biển thống trị vùng biển băng giá phía Bắc - ảnh: INTERNET
Các nhà khoa học đang sắp xếp bộ gen đầy đủ của 100 cá thể thuộc loại này và hy vọng có thể tìm ra lời giải cho tuổi thọ đáng kinh ngạc.
Cá mập Greenland là loài cá mập lớn nhất còn tồn tại trong thế giới hiện đại. Đa số cá mập Greenland mà con người quan sát được dài từ 2,44-4,8 m, tuy nhiên theo các nghiên cứu, chúng có thể phát triển đến mức tối đa là 6,4-7,7 m, nặng 1.000-1.400 kg.
Thông thường con cái lớn hơn con đực. Thức ăn của chúng khá đa dạng. Thậm chí người ta còn tìm thấy những mảnh thịt và lông gấu Bắc cực trong dạ dày chúng. Loài thủy quái này sống ở khu vực Bắc Băng Dương và Bắc Đại Tây Dương.
(Theo Daily Mail, National Geographic)