Phát hiện thằn lằn cổ có 4 mắt, cả cơ thể dài 1,3m

Nguyễn Hằng |

Mới đây, các nhà nghiên cứu phát hiện loài thằn lằn có 4 mắt, từng sinh sống trên Trái Đất cách đây 49 triệu năm.

Theo đó, một phân tích mới về các hóa thạch từng được khai quật vào những năm 1870, cho thấy, loài thằn lằn cổ (Saniwa ensidens) có hai cơ quan có khả năng cảm nhận ánh sáng ở đầu hộp sọ, bên cạnh hai con mắt thông thường.

Saniwa ensidens là họ hàng gần của loài thằn lằn hiện đại, sinh sống trên Trái Đất vào khoảng 49 triệu năm trước. Đây là hóa thạch thằn lằn bị tuyệt chủng đầu tiên được phát hiện ở Bắc Mỹ, mặc dù loài này cũng sống ở châu Âu.

Tiến sĩ Krister Smith và các cộng sự Viện nghiên cứu Senckenberg ở Frankfurt (Đức) đã tiến hành nghiên cứu và phân tích một số mẫu vật thu thập từ gần 150 năm trước tại bang Wyoming (Mỹ).

Sau khi tiến hành chụp X-quang và quét CT, các chuyên gia phát hiện một con thằn lằn dài 1,3 mét có tới 4 mắt.

Phát hiện thằn lằn cổ có 4 mắt, cả cơ thể dài 1,3m - Ảnh 1.

Hình ảnh chụp CT phát hiện 2 bộ phận sáng bất thường trên hộp sọ của con thằn lằn cổ đại. Ảnh

Theo các nhà nghiên cứu, loài thằn lằn cổ đại này thường sử dụng "con mắt thứ ba và thứ tư" với chức năng như một đồng hồ sinh học và la bàn giúp chúng có thể định hướng khi di chuyển.

Nghiên cứu từ các chuyên gia tại Viện nghiên cứu Senckenberg ở Frankfurt (Đức), cho biết, các bộ phận, cơ quan có cấu trúc giống như mắt đóng vai trò quan trọng trong giấc ngủ, chu kỳ giao phối và định hướng đường đi của động vật.

Những cơ quan đặc biệt này có thể được tìm thấy ở một số động vật có xương sống nhỏ như cá và ếch. Chúng thường được gọi là "con mắt thứ ba" và phổ biến đối với các động vật có xương sống nguyên thủy. Những bộ phận này góp phần làm sáng tỏ lịch sử tiến hóa của các loài vật.

Phát hiện thằn lằn cổ có 4 mắt, cả cơ thể dài 1,3m - Ảnh 2.

Những con mắt thứ ba, thứ tư này có thể góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc tiến quá của loài vật này. Ảnh: Senckenberg Gesellschaft für Naturforschung

Tiến sĩ Krister Smith, người đứng đầu nghiên cứu này cho biết: "Một mặt, có ý kiến cho rằng con mắt thứ ba là bộ phận độc lập ở nhiều nhóm động vật có xương sống khác nhau. Mặt khác, có ý kiến cho rằng con mắt thứ ba của loài thằn lằn phát triển từ một cơ quan khác, được gọi là tuyến tùng.

Hai ý kiến này thực sự không liên kết với nhau. Bằng việc khám phá ra một con thằn lằn cổ đại có 4 mắt, hình thành ở trên đầu, chúng tôi có thể khẳng định rằng mắt thứ ba của loài vật này thực sự khác biệt so với các loài động vật có xương sống khác".

Nhà nghiên cứu Smith nhận định, mặc dù các quan nội tạng không có gì bí ẩn nhưng chúng vẫn có những khả năng phi thường mà chúng ta cần phải tìm hiểu để khám phá bí ẩn về sự tiến hóa của các loài vật này.

Bằng chứng là con mắt thứ ba cho phép một số động vật có xương sống có sự cảm nhận ánh sáng tốt và sử dụng chúng để sinh tồn trong tự nhiên.

Phát hiện mới này cũng là một lời nhắc nhở về giá trị tiềm ẩn của những hóa thạch dường như "bị lãng quên" trong các bảo tàng hơn một thế kỷ.

Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Current Biology.

Nguồn: Livescience, Dailymail

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại