Phát hiện "sát thủ" giấu mặt, ngăn cản sự phục hồi của tầng ozone

Nguyễn Hằng |

Các nhà khoa học cảnh báo, tầng ozone bảo vệ Trái Đất đang trên đà phục hồi có thể bị ngưng trệ do phải đối mặt với một “sát thủ” hóa chất gây hại mới.

Sau 30 năm, kể từ khi Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone đã được ký kết vào năm 1987 và có hiệu lực thi hành vào năm 1989, tầng ozone đã có những dấu hiệu hồi phục lại. Đây được coi là một trong những hiệp định quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với sự sống trên Trái Đất ngày nay.

Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện thấy một mối đe dọa lớn đối với sự phục hồi lớp vỏ bảo vệ Trái Đất này.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications vào ngày 27/6/2017 vừa qua, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại hóa chất công nghiệp phổ biến tên là dichloromethane.

Phát hiện sát thủ giấu mặt, ngăn cản sự phục hồi của tầng ozone - Ảnh 1.

Tầng Ozone "nguy hại" vì hóa chất giấu mặt. Ảnh: Sciencealert

Hóa chất này có khả năng phá hủy tầng ozone, đã tăng gấp đôi trong bầu khí quyển kể từ năm 2004. Loại chất này hiện không nằm trong danh sách cấm của nghị định thư Montreal.

Các nhà khoa học cảnh báo, nếu không ngăn chặn nồng độ gia tăng của chất này thì nó có thể trì hoãn việc lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực trở lại bình thường muộn hơn 30 năm.

Ryan Hossaini, nhà hóa học và nghiên cứu khí quyển tại Đại học Lancaster (Anh) cho biết: "Chúng tôi biết rằng nồng độ dichloromethane đang gia tăng trong khí quyển.

Tuy nhiên, trước đó vẫn chưa có việc phối hợp để đánh giá về tác động của sự gia tăng này có ảnh hưởng như thế nào đối với tầng ozone và việc phục hồi lại nó".

Nghiên cứu mới này là một trong những phát hiện cụ thể đầu tiên về ảnh hưởng của loại hóa chất này đối với việc phục hồi lại lỗ hổng tầng ozone.

Phát hiện sát thủ giấu mặt, ngăn cản sự phục hồi của tầng ozone - Ảnh 2.

Hóa chất này có thể làm chậm quá trình hồi phục của tầng ozone. Ảnh: Internet

Susan Solomon, một chuyên gia về khoa học khí quyển tại Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng, phát hiện này nên là một cuộc gọi thúc đẩy chúng ta cần phải làm việc chăm chỉ hơn trong việc hiểu và kiểm soát các hóa chất gây tổn hại đến tầng ozone.

Nồng độ dichloromethane đang tăng nhanh chóng trong những năm gần đây và có thể làm chậm lại quá trình hồi phục của tầng ozone. Dù chưa chạm tới mức đáng báo động, nhưng ảnh hưởng của dichloromethan lên tầng ozone đã được ghi nhận với nồng độ gia tăng rõ rệt trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Vá "lỗ thủng" tầng ozone gặp khó khăn nếu dichloromethan tiếp tục tăng

Phát hiện sát thủ giấu mặt, ngăn cản sự phục hồi của tầng ozone - Ảnh 3.

Thứ tự các tầng (từ trong ra): Tầng đối lưu - Tầng Ozone - Tầng bình lưu.

Các nhà khoa học đều tin rằng, tầng ozone có thể được phục hồi hoàn toàn như trước năm 1980 vào năm 2065 nếu "sát thủ" thầm lặng dichloromethan ngừng gia tăng.

Sự phát triển mạnh mẽ của dichloromethan sẽ làm chậm lại một phần tiến trình đạt được của Nghị định thư Montreal - vốn được cho là thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm phát thải hóa chất phá hủy tầng ozone gọi là chlorofluorocarbons (CFC).

CFC là hóa chất có trong tủ lạnh, bình xịt hơi, máy điều hòa không khí,... gây nên hiện tượng thủng tầng ozone.

Dichloromethan thường được sử dụng như là một dung môi công nghiệp trong nhiều ứng dụng như chất tẩy sơn, chất kết dính,...

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh cần phải có hành động kịp thời để góp phần ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc xảy ra với tầng ozone, đặc biệt là việc chặn lại tốc độ gia tăng của hóa chất dichloromethane trong tầng bình lưu.

Tầng ozone nằm trong tầng bình lưu ở cách bề mặt Trái Đất 10-50 km, có tập trung hàm lượng ozone cao, đảm nhận nhiệm vụ lọc ánh sáng tia cực tím có hại có thể gây ung thư và gây thiệt hại cho mùa màng.

Thực trạng tầng Ozone

Mặt trời phát ra bức xạ tia cực tím, các tia khiến cho chúng ta bị cháy nắng. May mắn là chúng ta được bảo vệ khỏi một phần tia cục tím nhờ một tầng khí được gọi là tầng ôzôn nằm bao quanh Trái đất.

Nhưng trong vòng hơn 20 năm, đã xuất hiện một lỗ thủng rất đáng lo ngại trong tầng ôzôn này. Vào năm 2006, lỗ thủng đã đặc biệt lớn - gấp gần 3 lần diện tích của nước Mỹ.

Trở lại những năm 1980, các nhà khoa học phát hiện ra các chất CFC chính là nguyên nhân gây ra lỗ thủng đó. Các chất này được sử dụng trong các tủ lạnh, hệ thống điều hòa không khí và các chai xịt tóc, mỹ phẩm, thuốc trừ sâu...

Hiện nay, các chất CFC đã bị cấm ở hầu hết các quốc gia, nhưng chúng vẫn đọng lại trong khí quyển tới khoảng 100 năm. Vì vậy, có thể phải mất hơn một đời người để những lỗ thủng này có thể tự tái tạo.


*Thông tin trên được trích từ cuốn sách "Why Should I Bother About The Planet? - Trái Đất Xinh Tươi Nói Gì?" do Dinhtibooks mua bản quyền từ NXB Usborne (Anh) phát hành. Cuốn sách cung cấp cho trẻ nhỏ những thông tin hữu ích, mang đến cho bé những bài học thực tế nhất để có thể bảo vệ được Trái đất.

Nguồn: Sciencealert, Washingtonpost

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại