Jackson Hepner, 12 tuổi, đến khách sạn The Inn at Honey Run ở Millersburg, bang Ohio, vào tháng 7 trong một buổi đoàn tụ gia đình.
Hepner và các thành viên trong nhà đã tập trung tại một cây cầu bắc qua Honey Run Creek tại khu nghỉ mát để chụp ảnh.
Trong khi chụp ảnh, với con mắt tinh nhanh, cậu bé đã phát hiện một vật thể rắn kỳ lạ ở rìa thác nước. Hepner tiến tới rút vật này ra khỏi lớp bùn và thấy đây là một chiếc răng.
“Cháu tìm thấy răng voi ma mút cách cây cầu nơi cả gia đình cùng chụp ảnh khoảng 10 mét về phía thượng nguồn. Một phần chiếc răng được hôn ở phía bên trái con lạch. Nó hoàn toàn nhô ra khỏi mặt nước”, cậu bé hào hứng nói.
Gia đình của Jackson và khách sạn nơi họ ở lại đang muốn tìm hiểu thêm về hóa thạch này nên đã liên lạc với một số giáo sư trong khu vực. Jackson đang chờ được trả lại chiếc răng voi ma mút để khoe với bạn bè.
Cận cảnh răng voi ma mút.
Trong một bài đăng trên Facebook, The Inn at the Honey Run cho biết: “Vật thể đã được một số học giả xác nhận là răng trên hàm thứ 3 của một con voi ma mút lông! Chúng tôi vô cùng tự hào khi là nơi đón một phát hiện phi thường và trải nghiệm khó quên”.
Cha của Jackson, anh Josh Hepner, nói với CNN: “Cậu nhóc rất phấn khích kể từ khi tìm thấy chiếc răng và càng hào hứng hơn khi câu chuyện xuất hiện thêm nhiều tình tiết thú vị”.
Theo Trung tâm Lịch sử Ohio, cả hóa thạch voi răng mẩu và voi ma mút đã được tìm thấy trước đây trên toàn bang này.
Loài động vật ăn cỏ ở thời kỳ băng hà này đã tuyệt chủng khoảng 4.000 năm trước.
Voi ma mút thường chết sau khi bộ răng cuối cùng của chúng biến mất, khoảng 60 đến 80 năm.
Voi ma mút có 4 chiếc răng khổng lồ, cỡ hộp đựng giày, hai trên và hai dưới, theo National Geographic.
Chúng có 6 bộ răng trong suốt cuộc đời và chết khi bộ răng của lần thay răng cuối cùng mất khả năng nhai.