Hai thủy thủ Nga đã bị Na Uy phạt vì mặc quần áo rằn ri trong lúc đi bộ trên phố - Ảnh chụp màn hình RT
Theo Đài RT (Nga) ngày 21-1, truyền thông địa phương Na Uy tường thuật cảnh sát ở quốc gia Bắc Âu này mới đây đã phạt hai thủy thủ Nga vì mặc đồng phục lao động có họa tiết rằn ri, được cho là có khả năng khiến dân địa phương lo lắng.
Họa tiết rằn ri là một trong những loại họa tiết xuất hiện phổ biến trong màu sắc của các bộ quân phục.
Cụ thể tuần trước, cảnh sát tại thành phố Kirkenes, khu vực Finnmark, phía bắc Na Uy, cho biết họ đã "tiến hành kiểm tra nhập cư đối với các thủy thủ Nga" vì những người này mặc quần áo "có thể dễ bị nhầm với quân phục".
Trả lời phỏng vấn với nhật báo Dagbladet của Na Uy, các quan chức thực thi pháp luật địa phương mới đây xác nhận có hai thủy thủ Nga đã bị phạt 5.000 krone Na Uy (500 USD) vì mặc quần áo rằn ri trong lúc đi bộ quanh thành phố.
Công tố viên Martine Meslo thông tin hai người đàn ông bị phạt vì sử dụng sai đồng phục công cộng. Bà Meslo nói rằng những bộ trang phục này "có thể bị nhầm với quân phục của Nga" và "có thể tạo ra sự sợ hãi và khó chịu cho cả dân địa phương cũng như những người tị nạn Ukraine sống ở đây".
Báo Dagbladet đã đăng ảnh những người đàn ông nói trên với khuôn mặt che mờ, mặc trang phục rằn ri và mang một lá cờ nhỏ trên ngực cùng với từ "Nga" viết bằng chữ Kirin.
Công tố viên Meslo lưu ý một trong những lý do khác dẫn tới vụ phạt là vì các tàu biển của Nga bị coi là "mối đe dọa an ninh" và chỉ được phép vào ba cảng của Na Uy, trong đó có cảng Kirkenes. Bà nói thêm trước đây các đội đánh cá của Nga thường không sử dụng quần áo như vậy.
Tuy nhiên, một luật sư tên Bernt Heiberg nói với báo Dagbladet rằng lẽ ra hai người Nga nói trên không bị phạt. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng cảnh sát đã đi quá xa khi đưa ra mức phạt đối với một thứ dường như không đáng bị phạt".
Luật sư Heiberg cũng lưu ý ông "chưa bao giờ chứng kiến sự việc như vậy", đồng thời khuyên hai người Nga nói trên đưa vụ việc ra tòa. Cả hai thủy thủ đã chấp nhận lời đề nghị này.
Na Uy là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cuối năm ngoái, Na Uy đặt quân đội vào tình trạng báo động cao độ do "những điều không chắc chắn" liên quan đến chiến sự Ukraine.