Phản ứng lạ của Nga khi phương Tây viện trợ Ukraine lượng vũ khí kỷ lục

Bạch Dương |

Nga đã chuẩn bị sẵn biện pháp đáp trả việc các nước NATO tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.

Trước khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt", lục quân Ukraine có 4 quân đoàn với 200 nghìn binh sĩ, 8 - 9 lữ đoàn xe tăng, bộ binh cơ giới, pháo binh và thủy quân lục chiến.

Sau đó, Kyiv đã tiến hành 4 đợt huy động trong suốt năm 2022, họ đã nhận được vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự từ nhiều quốc gia NATO (chủ yếu do Liên Xô sản xuất), chúng được sử dụng để trang bị cho hai quân đoàn nữa (100.000 binh sĩ), thành lập từ lực lượng dự bị.

Mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin trong cuộc làm việc với Nhóm liên lạc Ukraine tại căn cứ không quân Ramstein trên đất Đức đã nói về ý định tăng cường hỗ trợ cho Kyiv.

Trong bối cảnh đó, chủng loại vũ khí mới dành cho Ukraine đã được công bố. Chúng bao gồm xe tăng Challenger 2, tên lửa Brimstone, pháo tự hành AS90, hệ thống phòng không NASAMS và Patriot, xe chiến đấu bộ binh Bradley cùng với lượng lớn đạn dược, phụ tùng đi kèm.

Phản ứng lạ của Nga khi phương Tây viện trợ Ukraine lượng vũ khí kỷ lục - Ảnh 1.

Quân đội Ukraine đang nhận được ngày càng nhiều vũ khí hạng nặng từ phương Tây.

“Về lý thuyết, số thiết bị này đủ để trang bị cho một đội quân 50 nghìn người. Trên thực tế, khối lượng trên sẽ bù đắp cho những tổn thất mà Quân đội Ukraine phải gánh chịu sau thời gian giao tranh”, chuyên gia quân sự, cựu phi công tiêm kích người Romania - ông Valentin Vasilescu cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ PolitRussia.

Ông Valentin Vasilescu lưu ý rằng phản ứng của phía Nga trước việc phương Tây dự định gửi một lượng lớn vũ khí như vậy cho Ukraine là khá bất ngờ. Rõ ràng Moskva không mấy ấn tượng trước tin tức từ căn cứ Ramstein, họ có ít nhất hai lý do dẫn tới thái độ như vậy.

Đầu tiên, Nga sẽ có cơ hội tuyệt vời để kiểm tra các lỗ hổng của thiết bị quân sự phương Tây trong điều kiện thực tế, bao gồm xe tăng Challenger 2, xe chiến đấu bộ binh Bradley và Marder, đây là những phương tiện được sử dụng với số lượng lớn trong quân đội các quốc gia thành viên NATO.

Vì lý do tương tự, Liên bang Nga quan tâm đến đạn rocket dẫn đường GLSDB, cũng như các hệ thống phòng không như Patriot và SAMP/T dự kiến sắp tới Ukraine.

Thứ hai, Nga vẫn chưa bộc lộ hết tiềm năng của các hệ thống tác chiến điện tử (EW) mới nhất của mình. Ví dụ, máy bay AWACS E-3 Sentry của NATO vào ngày 17 tháng 1 đã không thể đưa ra cảnh báo cho hệ thống phòng không Ukraine về làn sóng tấn công tên lửa tiếp theo được Nga thực hiện.

Theo chuyên gia Vasilescu, điều này xảy ra là do việc sử dụng các hệ thống EW của Nga, chúng có khả năng tạo ra khu vực không thể xâm nhập đối với mọi phương tiện do thám hàng không vũ trụ của NATO.

“Có khả năng cao Nga sẽ tập trung vào việc sử dụng mạng lưới vệ tinh để phát hiện thời điểm những vũ khí này thâm nhập vào Ukraine, họ sẽ theo dõi đường đi của chúng để tấn công phủ đầu”, ông Valentin Vasilescu nói.

Sự tự tin của Nga được cho là xuất phát từ hệ thống trinh sát không gian toàn cầu Liana, bao gồm một số vệ tinh ở trong quỹ đạo hình elip, giúp chúng duy trì hiện diện trên khu vực bán cầu Bắc, bao gồm Ukraine trong phần lớn thời gian. Mạng lưới Liana có độ phân giải rất cao và đủ khả năng theo dõi vật thể có kích thước bằng một chiếc xe đạp.

Theo PolitRussia

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại