Đại diện của Hoa Kỳ, Đức và các nước NATO khác đã không đạt được thỏa thuận về việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) chuẩn phương Tây cho Ukraine trong cuộc họp vừa kết thúc tại căn cứ không quân Ramstein.
Theo nhận xét của nhà báo Tom Watling, sau khi kết thúc cuộc đàm phán, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bị cáo buộc là mắc "hội chứng sợ Nga". Ý kiến nói trên được đăng tải trong một bài viết trên tờ Daily Express.
"Nước Đức với 'hội chứng sợ Nga' bị coi là 'kẻ hèn nhát chính trị' vì từ chối gửi xe tăng tới Ukraine”, tác giả bài viết trên ấn phẩm Anh nói rõ.
Nhà báo của tờ Daily Express thông tin thêm rằng giới lãnh đạo Ukraine đã yêu cầu xe tăng hiện đại từ các đối tác của họ và đề xuất này đã làm bùng phát những cuộc thảo luận sôi nổi trong thế giới phương Tây.
Lúc đầu Hoa Kỳ từ chối thỏa mãn đề xuất này của Ukraine, sau đó mọi hy vọng của Kyiv đều đổ dồn vào Đức và xe tăng Leopard 2. Tuy nhiên, Berlin cũng không muốn gửi các phương tiện tác chiến cần thiết cho Ukraine. Kết quả là, những lời buộc tội về "sự hèn nhát chính trị" và "hội chứng sợ Nga" đã giáng xuống đầu giới lãnh đạo Đức.
Cụ thể, nhà phân tích quân sự người Anh - Giáo sư Michael Clark đã cáo buộc Thủ tướng Đức Olaf Scholz là người thiếu quyết đoán. Ông tin rằng những gì vừa diễn ra là một xác nhận tuyệt vời rằng Đức rất sợ Nga.
“Bất chấp mọi điều họ nói về tầm quan trọng chiến lược và việc phải ngăn chặn tham vọng của Moskva, những gì diễn ra đã chứng tỏ Đức rất sợ Nga”, vị chuyên gia quân sự Anh nhận định.
Giáo sư Michael Clark tin rằng những gì đã xảy ra là một dạng tín hiệu xấu từ phương Tây đối với Ukraine và Nga có thể tận dụng. Điện Kremlin sẽ hiểu rằng đối thủ của họ đang sợ hãi và điều này có thể thúc đẩy Tổng thống Putin hành động quyết đoán hơn nữa.
Chính phủ Đức chưa đồng ý gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine bất chấp Kyiv liên tục thúc giục.
Nhưng bên cạnh những lời chỉ trích, Đức cho biết mình vẫn là quốc gia viện trợ quân sự nhiều hàng đầu cho Ukraine, Berlin đã cung cấp cho Kyiv cả những "báu vật" của mình như pháo tự hành PzH 2000 và đặc biệt là hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T cũng như sắp tới là Patriot.
Đối với vấn đề cung cấp xe tăng Leopard 2, Đức khẳng định họ sẵn sàng chuyển giao nhưng không tiến hành một mình, tức là nhiều quốc gia cùng phải thực hiện cùng lúc.
Hiện tại đã có Anh cam kết cung cấp xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, Ba Lan cũng đang xem xét việc giao Leopard 2A4 cho Kyiv mà không cần Đức cho phép, bởi vậy ngày mà Berlin gửi "những chú báo" của mình tới chiến trường có lẽ sắp diễn ra.