Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí International Journal of Psychophysiology, các nhà khoa học đã phát hiện một thanh niên 23 tuổi người Đức có thể chủ động thu nhỏ hoặc giãn to đồng tử trong mắt mình theo ý muốn - điều mà trước đây được cho là không thể.
Chúng ta biết đồng tử của mắt hoạt động giống như khẩu độ của một chiếc máy ảnh. Nó điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào võng mạc và luôn được "cài đặt" ở chế độ tự động.
Khi chúng ta bước vào một môi trường tối hoặc thiếu sáng, đồng tử sẽ giãn ra cho phép mắt thu được nhiều ánh sáng hơn. Và ngược lại, nếu ở ngoài môi trường có quá nhiều ánh sáng, đồng tử sẽ tự động thu hẹp lại để bảo vệ võng mạc và giúp hình ảnh bạn thấy không bị chói hoặc cháy sáng.
Kích thước đồng tử được điều chỉnh bởi hai cơ rất nhỏ đối nhau bên trong mắt. Thông thường, tất cả chúng ta đều không ý thức được mình có những cơ siêu nhỏ này, và cũng không thể điều khiển chúng theo ý muốn.
Nhưng đó là trước khi Christoph Strauch, một phó giáo sư tâm lý học thực nghiệm tại Đại học Utrecht ở Hà Lan tìm thấy một sinh viên của mình có khả năng đặc biệt ấy. Chàng trai 23 tuổi có mật danh là DW đến gặp Strauch và thổ lộ rằng từ khoảng 6-7 năm trước, anh ấy phát hiện ra mình có thể tùy ý điều chỉnh độ lớn của đồng tử.
"Trước đó đã có lần tôi khoe với bạn tôi rằng tôi có thể làm nhãn cầu của mình rung động. Khi đó, cậu ấy nói với tôi rằng đồng tử của tôi tự nhiên lại nhỏ hơn", DW nói. Mặc dù vậy, chàng thanh niên đã không mấy để ý đến khả năng đặc biệt này, cho đến khi anh ấy lớn lên và bắt đầu chơi điện tử trên máy tính.
DW thường xuyên bị mỏi mắt khi nhìn chằm chằm vào màn hình. Sau mỗi lần chơi game dài như vậy, anh thường cố gắng thư giãn cho mắt bằng cách đảo nó liên tục và thực hiện một số động tác ép buộc đồng tử phải vận động như tập thể dục.
"Khi co đồng tử lại, tôi có cảm giác như mình đang nắm chặt hoặc kéo căng một thứ gì đó. Còn khi làm đồng tử giãn ra to hơn, tôi có cảm giác như được thả lỏng hoàn toàn, nó giúp mắt thư giãn", DW nói với các nhà nghiên cứu.
Mẹo nhỏ ban đầu của DW để có thể điều khiển được kích thước đồng tử là hãy chú tâm khiến mắt lấy nét vào một điểm phía trước hoặc phía sau vật thể. Nhưng sau một thời gian thực hành, DW đã có thể làm điều đó mà không cần tập trung vào một đồ vật nào nữa.
3 trạng thái co giãn đồng từ chủ động của DW.
Cần phải nói rằng ngoài ánh sáng, đồng tử của chúng ta cũng có thể phản ứng với các yếu tố khác, chẳng hạn như một kích thích bất ngờ. Vì vậy, trước đây các nhà khoa học biết rằng một số người có thể thay đổi kích thước đồng tử của họ theo ý muốn bằng cách sử dụng các phương pháp gián tiếp.
Chẳng hạn, 3 nghiên cứu được thực hiện vào năm 1895, 1911 và 1993 từng xác nhận những người có khả năng điều khiển kích thước đồng tử gián tiếp.
Khi họ nghĩ đến các kích thích, chẳng hạn như tưởng tượng mình đang bước vào một căn phòng tối hoặc khi tính nhẩm một phép tính nào đó trong đầu, họ có thể giãn đồng tử ra to hơn. Còn để thu hẹp đồng tử lại, những người này sẽ tưởng tượng mình đang nhìn thẳng vào Mặt Trời hoặc một vật ở rất gần với mắt.
Trong trường hợp của DW, anh chàng nói rằng mình không hề dùng đến các tưởng tượng đó mà trực tiếp điều khiển các cơ co giãn đồng tử trong mắt. Hơn nữa, DW còn có khả năng cảm nhận sự co duỗi của các cơ này như cơ bắp bình thường trên cơ thể.
"Điều này thật đáng kinh ngạc, bởi khả năng này là thứ mà chúng ta từng nghĩ là con người không thể thực hiện", phó giáo sư Strauch cho biết.
Thông thường, kích cỡ đồng tử sẽ được điều chỉnh một cách tự động bởi ánh sáng môi trường.
Để kiểm tra những gì mà DW nói có thật hay không, các nhà nghiên cứu đã đưa anh ấy vào một loạt các bài thử nghiệm. Kết quả là họ không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy DW nói dối, nghĩa là phải dùng đến các tưởng tượng gián tiếp để co giãn đồng tử.
Trong một thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã dán các điện cực lên da đầu và mặt của DW để quan sát sự thay đổi điện áp trên đó. Điều này có thể kiểm tra anh ấy có đang cố gắng nghĩ hay tưởng tượng về căn phòng tối hay ánh sáng chói từ Mặt Trời hay không.
Kết quả cho thấy DW không có dấu hiệu tưởng tượng gì cả, trong khi anh vẫn có thể giãn đồng tới độ mở 2,4 mm đường kính và thu hẹp nó xuống còn 0,88 mm ở chiều ngược lại.
Khi các nhà khoa học cho DW nhìn một vật thể ở gần mắt nhất, đối với mọi người, đó là điểm mà đồng tử của họ sẽ tự động thu nhỏ nhất có thể, nhưng DW thì không. Sau khi đồng tử đã tự động thu nhỏ đến hết mức, các nhà nghiên cứu bảo DW hãy bật chế độ điều khiển "khẩu độ thủ công" của anh ấy lên. Kết quả đồng tử của DW tiếp tục thu nhỏ lại.
Điều này có thể giúp anh ấy nhìn một vật thể ở gần nét gấp 2 người bình thường. Hãy tưởng tượng bạn đang cầm một chiếc bút chì trên tay, giơ lên trước mặt và đưa nó dần dần lại gần với mắt. Đến một điểm nào đó, chiếc bút chì sẽ mờ đi khi đồng tử của bạn không co lại để lấy nét hơn được nữa. Nhưng DW thì vẫn có thể làm điều đó.
Đồng tử thường được ví như độ mở khẩu độ của lens máy ảnh ở chế độ tự động.
Cuối cùng, trong bài thử nghiệm quyết định nhất, các nhà nghiên cứu đã đưa DW vào một cỗ máy quét não được gọi là chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Ảnh chụp hoạt động của não trong khi DW co giãn đồng tử xác nhận anh ấy không nỗ lực tưởng tượng hay nghĩ ra bất kỳ một điều kiện gián tiếp nào.
Thay vào đó, các nhà nghiên cứu thấy vùng vỏ não trước trán và vùng tiền vận động của DW được kích hoạt, ngụ ý anh chàng đã trực tiếp điều khiển các cơ nhỏ trong mắt của mình để co giãn đồng tử một cách trực tiếp.
Tất cả các bài kiểm tra đều dẫn đến một kết quả cho thấy DW không hề nói dối. Anh chàng này thực sự là người đầu tiên có thể đưa đồng tử trong mắt của mình về chế độ "điều khiển thủ công", giống với một chiếc lens máy ảnh MF chỉnh khẩu độ bằng cơ học. Đó quả là một khả năng thú vị.