Đảo mới được phát hiện có diện tích nhỏ, chiều rộng chỉ khoảng 30m. Ảnh: Reuters
Đây là một đảo nhỏ, kích thước 60m x 30m và điểm nhô cao nhất chỉ khoảng 3m so với mặt nước biển, được cấu tạo từ bùn cát và băng tích – hợp chất giữa đất và đá còn sót lại sau khi sông băng tan chảy.
Nhóm nghiên cứu – những người đầu tiên khám phá ra đảo mới, dự định sẽ đặt tên đảo này là "Qeqertaq Avannarleq" - trong tiếng Greenland có nghĩa là "hòn đảo xa nhất về phía bắc". Greenland là vùng lãnh thổ Bắc Cực thuộc về Đan Mạch.
Đảo mới được phát hiện khá tình cờ. Tháng 7, nhóm chuyên gia đến thu thập mẫu vật ở Oodaaq, hòn đảo được Đan Mạch phát hiện vào năm 1978 và được cho là xa nhất thế giới về phía bắc. Mục đích chính là để tìm kiếm những loài vật mới thích nghi với cuộc sống ở môi trường khắc nghiệt này. Tuy nhiên, khi đặt chân đến và kiểm tra tọa độ với cơ quan Đan Mạch phụ trách các đảo Bắc Cực, họ nhận thấy mình ở một hòn đảo khác, xa hơn Oodaaq khoảng 780m về phía bắc.
“Chúng tôi phát hiện ra đảo mới hoàn toàn tình cờ. Nhóm 6 người chúng tôi đi trên một chiếc trực thăng cỡ nhỏ. Khi đến vị trí của đảo Oodaaq, chúng tôi không thể thấy nó”, ông Morten Rasch, chuyên gia tại Trạm Nghiên cứu Bắc Cực ở Greenland cho biết.
Nhóm nghiên cứu của Morten Rasch sau đó bắt đầu tìm kiếm hòn đảo. Sau vài phút phấn khích, các nhà khoa học đáp xuống một vùng đất lạ không có thực vật, cấu tạo từ bùn, sỏi, băng tích, có băng biển bao quanh. Sau chuyến thám hiểm và nhiều cuộc thảo luận với các chuyên gia, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng họ vừa tình cờ phát hiện hòn đảo xa nhất thế giới về phía bắc.
Việc mở rộng lãnh thổ ở Bắc Cực sẽ phụ thuộc vào việc cấu trúc vật chất mới được phát hiện là đảo, hay chỉ là mô đất cao vốn có thể sẽ lại biến mất. Một cấu trúc được gọi là đảo cũng phải nổi trên mặt biển khi thủy triều lên. “Ở thời điểm hiện tại, vùng đất mới được phát hiện hội đủ các tiêu chí để được xác định là đảo. Đây là hòn đảo xa đất liền nhất thế giới về cực bắc”, giáo sư Rene Forsberg thuộc Viện Không gian Quốc gia Đan Mạch cho biết.