Những mỏ đất hiếm này chứa các loại khoáng sản quan trọng trong việc chế tạo nhiều loại sản phẩm điện tử công nghệ cao.
Phát hiện đã được công bố trên tạp chí Khoa học địa chất thiên nhiên của Anh hôm 4/7.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các khoáng chất trong bùn biển được khai thác ở độ sâu từ 3.500 đến 6.000 mét bên dưới bề mặt đại dương tại 78 địa điểm. Các mỏ này chứa tới 80 đến 100 tỷ tấn đất hiếm , nằm ở vùng biển quốc tế, về phía Đông và phía Tây Hawaii (Mỹ), cũng như phía Đông đảo Tahiti thuộc Pháp.
Trữ lượng đất hiếm toàn cầu hiện này chỉ có 110 triệu tấn, được tìm thấy chủ yếu ở Trung Quốc, Nga, và Mỹ.
Tàu nghiên cứu đất hiếm của Nhật Bản. (Ảnh minh họa: JOGMEC)
Trước đó, vào tháng 3/2013, các nhà khoa học Nhật Bản công bố đã phát hiện một trữ lượng khổng lồ đất hiếm dưới đáy Thái Bình Dương.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Tokyo và Cơ quan khoa học và công nghệ hải dương - trái đất Nhật Bản, các mẫu đất hiếm được phát hiện gần Minamitori, hòn đảo xa nhất về phía Đông của nước này, cách thủ đô Tokyo khoảng 2.000 km về phía Đông Nam. Độ tập trung của loại khoáng sản quý hiếm này cao gấp 20 lần so với ở các mỏ ở Trung Quốc.
Ông Yasuhiro Kato, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm đã phát hiện được mật độ cao đất hiếm trong mẫu bùn thu được. Trữ lượng lớn như vậy có thể cung cấp 60% nhu cầu đất hiếm của Nhật Bản mỗi năm. Theo thông tin ban đầu, trữ lượng của kho quặng đất hiếm này lên tới 6,8 triệu tấn, đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Nhật Bản hàng trăm năm.
Đất hiếm được sử dụng rất nhiều trong sản xuất linh kiện trong điện thoại di động, pin mặt trời, mô tơ điện hiệu suất cao, động cơ xe hơi dùng cả xăng và điện (hybrid), nam châm trong các máy phát thủy điện cực nhỏ và cả các thiết bị trong vũ trụ.