Phát hiện manh mối chứng minh từng có nước trên sao Hỏa

Hoàng Dung |

Những tảng đá thu thập từ thế kỷ 19 trên Trái Đất có thể là manh mối để tìm bằng chứng về nước trên sao Hỏa.

"Quả việt quất" trên sao Hỏa, do tàu Curiosity của NASA phát hiện vào năm 2004 và khối đá hydrohematite do August Breithaupt tìm ra vào năm 1843.

"Quả việt quất" trên sao Hỏa, do tàu Curiosity của NASA phát hiện vào năm 2004 và khối đá hydrohematite do August Breithaupt tìm ra vào năm 1843.

Những khối tròn mà tàu thám hiểm Curiosity của NASA chụp được trên sao Hỏa vào năm 2004 tương tự một loại khoáng chất trên Trái Đất.

Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi Viện Smithsonian, Đức và Đại học Bang Pennsylvania, Mỹ cho biết khối tròn trên sao Hoả giống với những thứ mà nhà khai thác khoáng vật người Đức August Breithaupt phát hiện trên Trái Đất vào năm 1843 có tên hydrohematit.

Hydrohematit có hydroxyl, nhóm hydro và oxy chuyển hóa thành nước lưu trữ trong đá. Những thứ mà các nhà khoa học gọi là 'quả việt quất' trên sao Hoả được cho là một dạng khoáng chất nghèo sắt nhưng vì không có công nghệ để xác định hydrohematite nên họ gọi là hematit.

Peter J. Heaney, giáo sư khoa học địa chất, Đại học Bang Pennsylvania cho biết trên Trái Đất, những cấu trúc hình cầu này là hydrohematit, khá hợp lý khi suy đoán rằng những viên sỏi màu đỏ tươi trên sao Hỏa là hydrohematit.

Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm, phân tích các mẫu đá bằng cách dùng quang phổ hồng ngoại và nhiễm xạ tia X để soi các thành phần. Họ phát hiện ra rằng trong môi trường kiềm, nước, nhiệt độ 149 độ C, hydrohematite có thể kết tủa ra ngoài, tạo thành các lớp trầm tích.

Đó chính là điều kiện trên sao Hoả cổ đại khi hành tinh này chưa khô cạn như bây giờ. "Phần lớn bề mặt sao Hoả cổ đại ẩm ướt hơn bây giờ, các oxit sắt kết tủa khi đó", Peter J. Heaney cho biết.

Các thí nghiệm của Si Athena Chen, đồng tác giả nghiên cứu, phát hiện ra rằng hydrohematit tự nhiên chứa từ 3,6% đến 7,8% trọng lượng là nước.

Tùy vào lượng khoáng chất sắt ngậm nước tìm thấy trên sao Hỏa, các nhà nghiên cứu tin rằng có thể tồn tại một lượng nước dự trữ đáng kể ở đó.

Sao Hỏa được gọi là hành tinh Đỏ vì màu sắc của nó, mà điều này xuất phát từ các hợp chất sắt trong bụi trên sao Hỏa.

Sự hiện diện của hydrohematit trên sao Hỏa sẽ cung cấp thêm bằng chứng cho thấy sao Hỏa đã từng là một hành tinh nhiều nước và nước là một hợp chất cần thiết cho tất cả các dạng sống trên Trái Đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại