Nghiên cứu vừa công bố trên Journal of Archeological Science: Reports cho thấy một chiếc lọ nhỏ có thể là bằng chứng về một loại mỹ phẩm trang điểm nguyên thủy, lâu đời nhất từng được phát hiện trong lịch sử khảo cổ. Với niên đại gần 6.400 năm, nó đánh bại những lọ kem, phấn từ Ai Cập hay Lưỡng Hà cổ đại, vốn chỉ hơn 4.000 năm tuổi.
Chiếc lọ đựng loại kem có tác dụng trang điểm, dưỡng da - Ảnh: Viện Bảo tồn di sản văn hóa Slovenia
Tờ Acient Origins trích dẫn lời giáo sư Bine Kramberger từ Viện Bảo tồn di sản văn hóa Slovenia, cho biết chiếc lọ có niên đại khoảng năm 4.350 trước Công Nguyên, được chế tạo rất công phu so với kỹ thuật thời kỳ đó, có thể đã được những người thời đồ đá đeo ngang hông.
Bên trong lọ có dấu vết rõ ràng của sáp ong và cerussite, một loại chì cacbonat màu trắng, có thể khai thác trong các hang động, dù ngày nay được xác định là độc hại nhưng đã được sử dụng trong mỹ phẩm suốt hàng ngàn năm. Một số công cụ bằng đá mỏng và dài được tìm thấy gần chiếc lọ cũng được xác định là những chiếc... cọ trang điểm nguyên thủy, dùng để lấy hỗn hợp trong lọ bôi lên da.
Cách người cổ đại mang chiếc lọ trang điểm bên mình - Ảnh: Viện Bảo tồn di sản văn hóa Slovenia
Theo New Scientist, để bác bỏ ý kiến phản bác rằng đó có thể đơn giản là một loại phẩm màu chiến tranh, giống như cách các thổ dân thường vẽ mặt, các nhà khảo cổ đã phân tích một số vật dụng không rõ hình thù cùng thời đại, nhưng được nghi ngờ cũng là vật dụng đựng kem trang điểm.
Họ đã tìm thấy bằng chứng của hỗn hợp dầu thực vật, mỡ động vật làm sáp ong, những nguyên liệu phổ biến trong mỹ phẩm ngày nay. Theo các nhà khảo cổ, hỗn hợp này được người cổ đại dùng để "giữ cho da ngập nước và mềm mại" – chính là phiên bản thời đồ đá của những lọ kem dưỡng ẩm, làm mềm da ngày nay.