Theo The Washington Post, cuối năm 2023, Trung Quốc đã cử tàu khảo sát hải dương xuống một vùng biển để khai thác những khối đá kích thước bằng quả bóng golf, có độ tuổi 1 triệu đến hàng triệu năm, trị giá hàng nghìn tỷ USD.
Hoạt động thăm dò này để tập hợp các kết hạch đa kim, rất giàu mangan, coban, niken và đồng – những kim loại cần thiết cho nền kỹ thuật công nghệ hiện đại, từ ô tô điện.
Nhiều chuyên gia cho rằng, biển chứa lượng kim loại hiếm nhiều hơn trên đất liền và chúng rất quan trọng đối với hầu hết các thiết bị điện tử, sản phẩm năng lượng sạch và chip máy tính tiên tiến ngày nay. Tài nguyên kết hạch đa kim loại có giá trị khai thác chủ yếu phân bố ở vực thẳm với độ sâu 4000 - 6000m.
Đặc biệt, khi các quốc gia chạy đua cắt giảm lượng khí thải nhà kính, nhu cầu về các khoáng sản này dự kiến sẽ tăng vọt. Carla Freeman, chuyên gia cấp cao người Mỹ về Trung Quốc cho biết: "Nếu Trung Quốc có thể dẫn đầu trong hoạt động khai thác dưới đáy biển, nước này thực sự có cơ hội tiếp cận tất cả các khoáng sản quan trọng cho nền kinh tế xanh thế kỷ 21".
Để tham gia cuộc đua tìm kiếm kho báu khoáng sản dưới biển sâu, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã liên tục đầu tư nhiều vào công nghệ và thiết bị, bắt kịp các quốc gia phương Tây, thậm chí còn vượt những quốc gia này trong một số lĩnh vực.
Trung Quốc hiện có ít nhất 12 cơ sở nghiên cứu biển sâu, một trong số đó là cơ sở rộng lớn ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô, có kế hoạch tuyển dụng 4.000 lao động vào năm 2025. Hàng chục trường cao đẳng đã thành lập để tập trung vào khoa học biển.
Ngoài các kết hạch đa kim, hai loại trầm tích khác đang được xem xét để khai thác ở đại dương là sunfua đa kim được tìm thấy trong các miệng phun thủy nhiệt và lớp vỏ coban giàu kim loại, nằm trong các lớp cứng dọc theo các ngọn núi dưới nước. Cả hai kim loại này sẽ còn khó khai thác hơn nữa.
Trung Quốc hiện sẵn sàng truyền đạt kiến thức về khai thác biển sâu cho các nước khác. Các tàu lặn của nước này được sản xuất có khả năng lặn sâu hơn 10.000 xuống đáy biển.
Để khai thác được nguồn kho báu lớn này, Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các công nghệ giám sát, từ đó giúp đánh giá và xử lý môi trường khai thác xung quanh khoáng sản biển sâu nhằm đạt được sự cân bằng giữa khai thác và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Trung Quốc phát huy tối đa các lợi ích từ công nghệ mạng 5G và công nghệ bigdata để đáp ứng các nhu cầu xanh, hiệu quả, thông minh vào quá trình khai thác kho báu khoáng sản dưới đáy biển.
Cùng với đó, nước này tập trung vào các nhiệm vụ xây dựng các nhu cầu chiến lược, nghiên cứu khoa học về phát triển tài nguyên khoáng sản biển sâu và phát triển toàn diện trang thiết bị kỹ thuật khai thác.