Mẫu hóa thạch có kích thước rất nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy được. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm nỗ lực nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm thấy những loài vi khuẩn lâu đời nhất, chứng minh sự sống thuở sơ khai trên Trái Đất, trước khi khí oxy tồn tại trong bầu khí quyển.
Phát hiện quan trọng này được các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Los Angeles (UCLA) và Đại học Wisconsin-Madison tìm ra.
Cụ thể, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện thấy 11 loại vi khuẩn trong những cấu trúc hình trụ được bảo quản trong mẫu đá phát hiện năm 1982 ở Australia.
Trong số đó, một số loài vi khuẩn đã tuyệt chủng, còn lại thì được xác định là giống vi khuẩn hiện đại.
Hình ảnh về một vi khuẩn cổ đại hấp thụ methane. Ảnh: SWNS
Kết quả từ những thí nghiệm cho thấy nhóm sinh vật này tuy nguyên thủy nhưng đa dạng và có thể lan rộng khắp vũ trụ. Chúng rất có thể tồn tại được trên một hành tinh không có oxy.
Các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích đồng vị Carbon để xác định những thông tin trên hóa thạch và chỉ ra những đặc tính của các sinh vật bí ẩn bên trong.
Giáo sư John Valley, chủ nhiệm nghiên cứu thuộc Đại học Wisconsin-Madison, cho biết: "Sự khác nhau về tỷ lệ đồng vị carbon có liên quan đến hình dạng của chúng".
Trước đó, nhà cổ sinh vật học J. William Schopf tại Đại học California, Los Angeles (UCLA), thành viên của nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra và mô tả những hóa thạch vi sinh này trong một bài viết được đăng trên tạp chí Khoa học năm 1993.
Sự đa dạng của các vi khuẩn cho thấy một hệ sinh thái thu nhỏ trên Trái Đất cổ đại, bao gồm cả loại hấp thụ và tạo ra khí methane.
Một loại vi khuẩn được tìm thấy trong các mẫu hóa thạch siêu nhỏ. Ảnh: PNAS
Trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, đã có không ít ý kiến tranh cãi về việc hóa thạch này có thực sự chứa sự sống hay không. Tuy nhiên, bây giờ các nhà khoa học đã tìm ra dấu hiệu của sự sống trong các hóa thạch hàng tỷ năm tuổi.
Để thu được kết quả bất ngờ này, nhóm các nhà nghiên cứu đã dành hơn 10 năm để đầu tư phát triển kỹ thuật bóc tách các thành phần nhỏ trong các mẫu hóa thạch bằng việc sử dụng công cụ được gọi là phổ kế khối lượng ion thứ cấp (SIMS).
Các nhà khoa học đã mất hơn 10 năm nghiên cứu để tìm kiếm bằng chứng về sự sống trong các mẫu hóa thạch. Ảnh: SWNS
Công cụ tối ưu SIMS cho phép các nhà khoa học thực hiện bóc tách các lớp của hóa thạch với độ tinh vi là 1 micrometer và không gây hại cho các mẫu vật. Điều này đã góp phần chứng minh sự sống trên Trái Đất đã có từ 3.5 tỷ năm trước, sớm hơn rất nhiều so với chúng ta nghĩ.
Sự sống đã xuất hiện trênTrái Đất từ rất sớm và rất có thể hành tinh của chúng ta không phải là địa điểm duy nhất hình thành và "nuôi dưỡng" sự sống.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang không ngừng nghiên cứu để tìm kiếm lời giải đáp cho việc sự sống tồn tại trên Trái Đất cách đây 4,3 tỷ năm.
Kết quả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
Bài viết tham khảo các nguồn: Dailymail, Independent