Theo Tân Hoa Xã, 100 hạt giống có niên đại 2.000 năm tuổi đã được tìm thấy khi các nhà khảo cổ học đang khai quật một ngôi mộ của thường dân tại Đặng Khẩu (thuộc khu tự trị Nội Mông, phía Bắc Trung Quốc).
Nữ chủ nhân của ngôi mộ được chôn cất từ khoảng cuối thời Tây Hán (năm 206 TCN – năm 25 SCN) đến đầu thời Đông Hán (năm 25 SCN – năm 220 SCN).
Theo mô tả, các hạt giống được rải thành hình bán nguyệt có đường kính khoảng 8 cm quanh hộp sọ của chủ mộ. Dường như, đây là một biểu tượng mang ý nghĩa tâm linh.
Những hạt giống có hình dáng giống như hạt lựu hiện đại. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về nguồn gốc của số hạt giống này.
Một con dấu bằng đồng đã rỉ sét cũng được tìm thấy trong ngôi mộ.
Trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ còn đồng thời phát hiện 18 ngôi mộ đơn khác nằm rải rác trong các cồn cát và bị hư hỏng khá nặng.