Cho đến nay, các nhà thiên văn học đã phát hiện hơn 4.000 ngoại hành tinh. Chúng khác nhau ở nhiều điểm, tuy nhiên cũng có một số điểm chung để nhận diện. Riêng hành tinh “hồng ngọc” có ký hiệu HD219134b vừa được phát hiện có thành phần cấu tạo đặc biệt.
HD219134b là hành tinh thuộc loại siêu Trái đất. Nó có khối lượng lớn hơn Trái đất 5 lần, nhưng lại có tỷ trọng nhỏ hơn Trái đất. Vật thể này dường như rất giàu nhôm oxit – thành phần của nhiều loại đá quý. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng, HD219134b có thể có nhiều vỉa hồng ngọc.
Ngoại hành tinh này quay xung quanh ngôi sao chủ một vòng hết 3 ngày. Xác suất để tồn tại những dạng sống đã biết trên hành tinh này là rất thấp.
Các nhà thiên văn học sử dụng các mô hình máy tính để xác định xem hành tinh kỳ lạ này đã hình thành như thế nào. Họ đã phát hiện thành phần khác thường của nó (các nguyên tố chủ yếu gồm canxi, nhôm, silic và magie). Các nhà khoa học cho rằng, HD219134b là một dạng siêu Trái đất mới, chưa từng được biết đến.
“Điều thú vị là những thiên thể kiểu này hoàn toàn khác với phần lớn các hành tinh giống Trái đất. Trong tính toán, chúng tôi đưa ra kết luận là các hành tinh có tỷ trọng nhỏ hơn Trái đất từ 10 - 20%.
Chúng tôi đã xem xét những kịch bản thể hiện khác nhau của tỷ trọng như vậy. Bằng cách này, chúng tôi tìm được 3 ứng viên cho nhóm siêu Trái đất này” – Tiến sĩ Caroline Dorn ở ĐH Zurich (Thụy Sĩ) cho biết.
Cùng với ngoại hành tinh HD219134b, ứng viên tiềm năng cho nhóm này còn có ngoại hành tinh WASP-47e – một siêu Trái đất nằm trong hệ 4 hành tinh ở cách chúng ta 652 năm ánh sáng. Một ứng viên thú vị nữa là ngoại hành tinh 55 Cancri e với các vỉa kim cương trên bề mặt.
Một cách giải thích khác về tỷ trọng thấp của ngoại hành tinh HD219134b là nó chứa các đại dương. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tỏ ra thận trọng với cách giải thích ấy, có thể chứa cho biết cần phải tiếp tục nghiên cứu để có thể giải mã bí ẩn ngoại hành tinh đầy hồng ngọc này.