Baba Amte: Sinh ra trong gia đình giàu có nhưng dành cả đời vì người nghèo mắc bệnh phong

Trang Ly |

"Sợ nhất là căn bệnh mất đi sức mạnh để thể hiện tình thương và lòng trắc ẩn với con người" - Baba Amte.

Hôm nay 26/12, Google doodle thiết kế những slideshow để kỷ niệm 104 năm ngày sinh và tôn vinh những cống hiến hết lòng vì nhân loại của Baba Amte. Vậy, Baba Amte là ai?

Baba Amte: Giúp đỡ người mắc phong, người nghèo là cách tôi vượt qua nỗi sợ của chính mình

Baba Amte tên đầy đủ là Murlidhar Devidas Amte. Vì dành cả cuộc đời của mình để phục vụ nhân loại, đặc biệt là những người mắc bệnh phong nên người đời trìu mến gọi ông là Baba Amte. Cái tên Baba là biệt danh của ông thời thơ ấu.

Baba Amte sinh ngày 26/12/1914, ông là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Ấn Độ. Thế giới nhắc đến ông là một nhân vật tiên phong phục hồi và trao nhân quyền cho những người nghèo mắc bệnh phong.

Baba Amte: Sinh ra trong gia đình giàu có nhưng dành cả đời vì người nghèo mắc bệnh phong - Ảnh 1.

Google doodle ngày 26/12 kỷ niệm 104 năm ngày sinh và tôn vinh những cống hiến hết lòng vì nhân loại của Baba Amte.

Sinh ra trong một gia đình thượng lưu tại thành phố Hinganghat thuộc quận Wardha của bang Maharashtra, Ấn Độ. Ông là anh cả trong gia đình có 8 anh chị em.

Gia đình danh giá, trải qua tuổi thơ êm đềm cùng những ấm no, hạnh phúc mà cha mẹ tạo cho không khiến Baba Amte ngủ quên trong đời sống nhung lụa, xa hoa. Ông sớm nhận thức được những bất bình đẳng trong xã hội ngày những năm tháng còn trẻ thơ.

Khi trưởng thành dần lên cùng với những kiến thức ông siêng năng thu nạp, Baba Amte sớm theo con đường luật sư và trở thành người hành pháp nổi tiếng tại quận Wardha.

Về sau, Baba Amte tham gia vào cuộc đấu tranh của người Ấn Độ đòi tự do khỏi sự cai trị của Anh. Vào năm 1942, luật sư Baba Amte đã biện hộ cho rất nhiều nhà lãnh đạo phong trào tự do ở Ấn Độ.

Baba Amte: Sinh ra trong gia đình giàu có nhưng dành cả đời vì người nghèo mắc bệnh phong - Ảnh 2.

Cũng trong thời gian này, bệnh phong bị xã hội Ấn Độ nói riêng và nhiều nơi trên thế giới nói chung kỳ thị và xa lánh cùng cực. Và bước ngoặt cuộc đời đã xảy ra với chàng thanh niên trẻ khi ông tận mắt chứng kiến một người đàn ông mắc bệnh phong.

Hình ảnh cơ thể tàn tạ vì bệnh tật của người đàn ông cô độc dù khiến Baba Amte sợ hãi tột cùng nhưng lại thay đổi nhận thức và hành động của ông mãi về sau. Ông từng nói rằng, căn bệnh đáng sợ nhất không phải là mất chân tay mà là việc người đó mất đi sức mạnh để thể hiện tình thương và lòng trắc ẩn với con người.

Để đòi lại quyền công bằng cho những người mắc bệnh phong, đặc biệt là người nghèo mắc bệnh phong, ông đã tiêm trực khuẩn của người mắc bệnh phong vào mình để chứng minh người mắc bệnh phong không hề dễ lây lan cho người khác.

Bên cạnh đó, ông còn lập hẳn 3 trung tâm để điều trị cho những người mắc bệnh phong, người nghèo, người tàn tật tại bang Maharashtra - quê hương của chính ông.

Vài năm sau, ông vẫn là một nhà hoạt động xã hội tích cực. Năm 1949, Baba Amte thành lập bệnh viện Anandvan để người mắc bệnh, người nghèo có cơ hội chữa trị tốt hơn.

Người vợ của Baba Amte là Indu Ghuleshastri (sau này gọi là Sadhanatai Amte), cưới năm 1946, cũng cùng chồng tích cực tham gia đấu tranh và bảo vệ người nghèo, người mắc bệnh phong.

Baba Amte: Sinh ra trong gia đình giàu có nhưng dành cả đời vì người nghèo mắc bệnh phong - Ảnh 3.

Baba Amte và vợ.

Không chỉ dừng lại các hoạt động vì người nghèo, Baba Amte còn tham gia phong trào đẩy mạnh nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của cân bằng sinh thái và bảo tồn động vật hoang dã.

Vì những cống hiến không ngừng nghỉ, hết lòng vì người nghèo, người mắc bệnh phong và vì thiên nhiên, nhà hoạt động xã hội Baba Amte được chính phủ và thế giới ghi nhận, thông qua rất nhiều giải thưởng bao gồm các giải Padma Vibhushan (1986), Padma Shri (1971), Ramon Magsaysay Award (1985), United Nations Prize in the Field of Human Rights (1988), Gandhi Peace Prize (1999), Templeton Award (1990).

Baba Amte mất trong buổi sáng mùa Xuân, ngày 9/2/2008 tại quê nhà, ở tuổi 94.

Với những đóng góp to lớn ấy của Baba Amte, Google hôm nay 26/12 không quên vinh danh 104 năm ngày sinh của ông, nhà hoạt động xã hội hết lòng vì cộng đồng.

Những câu nói đầy ý nghĩa và nhân văn của Baba Amte

Dưới đây là những câu nói của Baba Amte sau một cuộc đời hết lòng vì người khác của ông:

1. Khi bạn tặng bông hồng cho một người, hương thơm của nó sẽ vương lại trên ngón tay của bạn.

2. Hạnh phúc sẽ chết nếu nó không được mang đi sẻ chia.

3. Một người có thể sống mà không có ngón tay, nhưng anh ta không thể sống mà không có lòng tự trọng. Đó là lý do tôi dành đời mình vì những người mắc bệnh phong. Đó cũng là cách tôi vượt qua nỗi sợ của chính mình. Giúp người khác với tình thương và lòng trắc ẩn là cách tôi khiến mình an nhiên.

4. Căn bệnh đáng sợ nhất không phải là mất chân tay mà là việc người đó mất đi sức mạnh để thể hiện tình thương và lòng trắc ẩn với con người.

Bài viết sử dụng nguồn: Beaninspirer

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại