Ảnh minh họa kính viễn vọng săn hành tinh TESS phía trước một hành tinh mắc ma quay quanh ngôi sao đỏ. Ảnh: NASA
Theo đài NPR, hành tinh mới được phát hiện này cách Trái đất 31 năm ánh sáng. Các nhà thiên văn chưa nhìn thấy trực tiếp hành tinh này nhưng họ có thể ước tính kích thước và khối lượng nhờ quan sát ảnh hưởng của nó lên ngôi sao mà nó quay quanh. Dường như hành tinh này chủ yếu có thành phần là sắt.
Kristine Lam, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hành tinh tại Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức ở Berlin, cho biết: “Theo tính toán của chúng tôi, chúng tôi thấy hành tinh này nhỏ hơn, nhẹ hơn Trái đất. Nó có thể tương tự Sao Thủy và nó chủ yếu là sắt”.
Hành tinh có tên GJ 367 b, quay rất gần quanh ngôi sao lùn đỏ của mình, chỉ mất 8 tiếng để quay trọn một vòng. Nhiệt độ trên bền mặt hành tinh này có thể đạt tới 1.500 độ C.
Ông Lam nói: “Chúng ta có thể hình dung hành tinh này như một hành tinh bị nấu chảy, có nhiệt độ làm tan chảy phần lớn kim loại. Có thể hành tinh này có dung nham và có thể không có khí quyển, nhưng hiện tại chúng tôi chưa biết. Điều chúng tôi biết chắc là hành tinh khá nặng và tương tự Sao Thủy”.
Vì hành tinh đặc biệt này quay quanh một ngôi sao sáng và gần chúng ta nên các nhà khoa học có thể có thể thu thập nhiều thông tin hơn về nó khi kính viễn vọng không gian James Webb được phóng lên vào ngày 22/12 tới.
Nếu đại dương mắc ma bao phủ hành tinh này, và nếu nó có thể trôi trên bề mặt và thắp sáng bầu trời, ngôi sao đỏ mà hành tinh quay quanh sẽ to hơn 30 lần so với hình ảnh Mặt trời mà ta nhìn thấy trên bầu trời từ Trái đất.
Mặc dù các nhà khoa học đã tìm thấy gần 5.000 hành tinh quay quanh các ngôi sao xa trong những năm gần đây, nhưng hiếm khi tìm thấy các hành tinh quay một vòng quanh ngôi sao trong chưa đầy một ngày.
Joshua Winn, nhà thiên văn tại Đại học Princeton, nói rằng các hành tinh này khá kỳ lạ. Ông nói: “Không ai nghĩ chúng tồn tại. Chính những hành tinh kỳ lạ như vậy sẽ có nhiều thông tin nhất”.
Dường như không có khả năng hành tinh như GJ 367 b thực sự hình thành tại vị trí hiện tại, vì môi trường quá nóng để các vật liệu rắn tích tụ lại. Việc hành tinh này rất nặng là điều bất thường và bí ẩn.
Từ lâu, người ta không rõ tại sao Sao Thủy trong hệ Mặt trời của chúng ta lại đặc biệt giàu sắt như vậy. Một giả thiết là Sao Thủy trải qua cú va chạm lớn trong giai đoạn đầu và bốc hơi lớp bên ngoài, để lại lõi sắt khổng lồ. Nhưng không ai biết chắc sự kiện như vậy có xảy ra hay không. Tìm thấy các hành tinh gần cũng giàu sắt như Sao Thủy có thể khiến giả thiết trên ít khả thi hơn. Hiện chưa rõ liệu có mối liên hệ nào giữa các hành tinh gần như GJ 367 b và Sao Thủy hay không, nhưng dường như đây mà một manh mối thú vị.