Sinh vật ngoài hành tinh bám tàu vũ trụ về Trái đất?

Đức Mạnh |

Trong một bài báo mới, các nhà khoa học lập luận rằng sự gia tăng về nhu cầu khám phá không gian đang làm tăng khả năng Trái đất bị xâm nhập bởi sinh vật ngoài hành tinh và ngược lại.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra những lần nhân loại di chuyển các loài sinh vật đến môi trường mới trên Trái đất, nơi những sinh vật đó có thể trở thành loài xâm lấn và gây hại cho các loài bản địa; họ cho rằng điều tương tự có thể xảy ra với sự sống giữa các hành tinh.

Tác giả chính Anthony Ricciardi, Giáo sư sinh học xâm lấn tại Đại học McGill ở Montreal trao đổi với Live Science: “Việc tìm kiếm sự sống bên ngoài thế giới của chúng ta là một nỗ lực thú vị có thể mang lại một khám phá to lớn trong tương lai không xa. Tuy nhiên, trước sự gia tăng của các sứ mệnh không gian (bao gồm cả những nhiệm vụ đem mẫu về Trái đất), chúng ta phải để ý đến việc giảm nguy cơ ô nhiễm sinh học theo cả hai chiều”.

GS Anthony Ricciardi và đồng nghiệp sử dụng bài báo này để kêu gọi nhiều nghiên cứu hợp tác hơn giữa các nhà sinh vật học thiên văn tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất và các nhà sinh vật học xâm lấn nghiên cứu về các loài xâm lấn trên Trái đất.

Các nhà khoa học cho rằng nguy cơ ô nhiễm sinh học liên hành tinh là cực kỳ thấp, một phần là do điều kiện khắc nghiệt của không gian vũ trụ. Nếu các sinh vật ngoài không gian có tồn tại và bám vào tàu vũ trụ thì chúng cũng khó có thể sống sót sau chuyến đi ngoài vũ trụ. Tuy nhiên, vẫn nên thận trọng với ô nhiễm sinh học liên hành tinh dựa trên những tác động tiêu cực mà các loài xâm lấn đã gây ra trên Trái đất.

Con người đã phá hoại các hệ sinh thái trên khắp thế giới bằng cách cho phép nhiều loài sinh vật xâm lấn vào các môi trường mới mà chúng không bao giờ tồn tại ở đó một cách tự nhiên.

Để lấy ví dụ, một loại nấm từ Nam Mỹ có tên là Austropuccinia psidii đã được du nhập vào Australia trong một hoàn cảnh không xác định và đang xâm lấn các cây bạch đàn bản địa của quốc gia này, làm chúng còi cọc và đôi khi giết chết chúng.

GS Anthony Ricciardi cho biết thêm: “Các cuộc xâm lược sinh học thường có sức tàn phá khủng khiếp đối với thực vật và động vật trong các hệ thống này. Chúng tôi tin rằng các hành tinh và Mặt trăng có khả năng chứa đựng sự sống nên được đối xử như thể chúng là các hệ sinh thái tự nhiên”.

Các nhà nghiên cứu đã trích dẫn về vụ tàu vũ trụ Beresheet của Israel đâm xuống Mặt trăng vào năm 2019 khi mang theo hàng nghìn con tardigrade (gấu nước), loài động vật cực nhỏ có thể sống sót trong điều kiện khắc nghiệt, bao gồm cả môi trường chân không vũ trụ.

Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tạp chí Astrobiology kết luận rằng, những con gấu nước có thể sẽ không sống sót sau tác động của vụ va chạm Mặt trăng nhưng vụ việc cho thấy khả năng xảy ra sự cố ô nhiễm sinh học.

Các nhà nghiên cứu đề xuất tăng cường các giao thức an toàn sinh học liên quan đến du hành vũ trụ, tập trung vào việc phát hiện sớm các chất gây ô nhiễm sinh học tiềm ẩn và phát triển các kế hoạch để phản ứng nhanh với bất kỳ phát hiện nào như vậy.

Các hành tinh và Mặt trăng luôn trao đổi vật chất thông qua thiên thạch, nhưng hoạt động khám phá không gian của con người có thể đẩy nhanh quá trình ô nhiễm, theo Jennifer Wadsworth, nhà sinh vật học thiên văn tại Đại học Khoa học Ứng dụng và Nghệ thuật Lucerne ở Thụy Sĩ cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại