Trước đó, hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng một đợt phun trào núi lửa khủng khiếp cách đây 200 triệu năm có thể đã dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt nhưng lại đem đến sự thống trị cho loài khủng long.
Nghiên cứu mới đây của nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) do Tamsin Mather, giáo sư ngành Khoa học Trái Đất đứng đầu đã góp phần củng cố giả thuyết núi lửa phun trào khoảng 200 triệu năm trước đây gây nên biến đổi khí hậu toàn cầu.
Sự kiện đặc biệt này làm dẫn đến tình trạng đại tuyệt chủng vào cuối kỷ Trias (hay còn gọi là kỷ Tam Điệp) và tương trợ cho sự nổi dậy và thống trị của khủng long.
Núi lửa phun trào cách đây 200 triệu năm giúp mở đường thống trị Trái Đất cho loài khủng long. Ảnh: Shutterstock
Sự kiện đại tuyệt chủng vào cuối kỷ Trias đã làm thay đổi lớn trong thảm thực vật, cũng như làm chậm lại sự phục hồi của đời sống động vật sau đó. Tuy nhiên, điều khiến các nhà khoa học trăn trở đó là nguyên nhân bí ẩn khiến loài khủng long có thể sống sót "ngoạn mục" và tiếp tục gia tăng cả về số lượng.
Các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng sự kiện này có liên quan đến quá trình phóng đột ngột một lượng CO2 lớn vào bầu khí quyển nhưng nguồn phát thải loại khí nhà kính này vẫn còn là bí ẩn khó giải.
Các nhà địa chất học đã phát hiện thấy lớp vỏ Trái Đất có chứa lượng lớn đá núi lửa thuộc vào cuối kỷ Trias. Dựa theo kết quả phân tích hóa thạch cho thấy, trong thời kỳ này, hầu hết các giống loài bị tuyệt chủng, mở con đường cho sự phát triển mạnh mẽ của khủng long và những loài còn sống sót.
Hoạt động phun trào của núi lửa đã phát thải một lượng lớn CO2 vào bầu khí quyển. Ảnh: Shutterstock
Những bằng chứng núi lửa "giúp" khủng long thống trị Trái Đất
Bằng cách điều tra hàm lượng thủy ngân trong các trầm tích lắng xuống có niên đại 200 triệu năm trước, nhóm các nhà khoa học tại Đại học Oxford đã tìm thấy mối liên hệ về sự kiện "diệt chủng" mang quy mô toàn cầu đó.
Theo các nhà địa chất học, thủy ngân có thể tồn tại và ở trong khí quyển từ 6-24 tháng trước khi chúng lắng vào các lớp trầm tích ở đáy hồ, sông và biển.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu 6 dữ liệu trầm tích có liên quan đến "đại nạn" tuyệt chủng vào cuối kỷ Trias trên phạm vi 4 lục địa ở hai bán cầu.
Giáo sư Mather và các cộng sự phát hiện thấy nồng độ thủy ngân cao bất thường trong các mẫu trầm tích cổ.
Cụ thể, việc nghiên cứu về các mẫu trầm tích tới từ Anh, Áo, Argentina, Greenland, Canada và Ma-rốc đã cho chúng ta thấy mức độ ảnh hưởng từ việc hoạt động của núi lửa phát thải khí nhà kính làm dẫn tới sự kiện tuyệt chủng vào cuối kỷ Trias.
Nồng độ cao của thủy ngân giữa lớp trầm tích cho thấy mốc đánh dấu sự bắt đầu của kỷ Jura, được cho là diễn ra vào khoảng 100.000-200.000 năm sau đó. Điều này cho thấy rằng, nhiều đợt hoạt động của núi lửa lớn đã xảy ra trong và ngay sau sự kiện tuyệt chủng diễn ra ở cuối kỷ Trias.
Chúng được sinh ra trong từ hoạt động phun trào của núi lửa ở Morocco, nơi có chứa đá núi lửa từ lớp nham thạch lớn (CAMP).
Các nhà khoa học cho hay, CAMP hình thành sau loạt phun trào núi lửa mạnh thuộc siêu lục địa Pangaea, nơi từng chứa tất cả các lục địa ngày nay trước khi tách ra vào khoảng 200 triệu năm trước.
Việc phát hiện nguồn gốc phát thải lượng khí CO2 khổng lồ vào bầu khí quyển cách đây 200 triệu năm là từ núi lửa, đã củng cố thêm cho giả thuyết trước đây cho rằng CO2 là nguyên nhân gây ra sự kiện đại diệt chủng vào cuối kỷ Trias.
Sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Trias đã tạo cơ hội cho khủng long phát triển mạnh mẽ và thống trị Trái Đất. Ảnh: BBC
Những bằng chứng tiếp theo về việc phát thải CO2 trong núi lửa có thể làm tăng hiểu biết của chúng ta về sự kiện này và các giai đoạn biến đổi khí hậu khác trong lịch sử Trái Đất.
Ngoài ra, bằng chứng nồng độ thủy ngân quá cao trong các lớp trầm tích cổ xưa cũng cung cấp những hiểu biết cơ bản về một số yếu tố góp phần điều chỉnh quá trình tiến hóa về sự sống trên hành tinh xanh của chúng ta, đặc biệt là sự thống trị của khủng long.
Nguồn: Sciencedaily, Iflscience