Ngày nay, chó đã trở thành một vật nuôi phổ biến và được nhiều người xem như thành viên trong gia đình.
Nhưng ít ai biết rằng, cách đây hàng ngàn năm, loài vật thông minh này cũng đã được cổ nhân vô cùng coi trọng. Sử liệu thời Tần – Hán đã ghi lại câu chuyện cảm động về tình cảm quý giá mà những người chủ dành cho chú chó của mình.
Tấu chương về "án tìm chó" được tìm thấy trong mộ cổ
Trong một phát hiện khảo cổ được ghi nhận vào năm 2015 tại Dương Châu (Trung Quốc), các nhà khảo cổ học tại đây đã tìm thấy một ngôi mộ thời Tây Hán, mang số hiệu là "mộ Thục Tú Hà số I".
Khi tìm kiếm vật tùy táng trong ngôi mộ này, người ta đã phát hiện ra một số cuốn tấu chương còn được bảo toàn ở trạng thái tốt.
Tấu chương xuất hiện trong lăng mộ của người quyền quý vốn không phải là một điều hiếm lạ. Nhưng điều lạ nằm ở chỗ, tài liệu trong những cuốn tấu chương này lại nhắc tới một vụ án "tìm chó" đã gây kinh động thời bấy giờ.
Vào thời xa xưa, tấu chương vốn là thứ được các đại thần dâng lên Hoàng đế để xử lý những vấn đề triều chính, quân sự, xã hội. Việc quốc gia đại sự vốn đã chất chồng, vậy tại sao quan lại bấy giờ lại bẩm báo một việc nhỏ như việc "tìm chó"?
Tổng hợp những tài liệu thu thập được trong số các vật tùy táng tại ngôi mộ Thục Tú Hà số I, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra chân tướng đằng sau tấu chương về sự việc kỳ lạ này.
Theo đó, tấu chương được dâng lên để bẩm báo về việc một vị quan huyện đã tìm thấy chú chó thất lạc mang tên "Mi". Trong đó có nhắc tới "Đại vương", nhiều khả năng chính là người con trai thứ tư của Hán Vũ Đế - Quảng Lăng Vương Lưu Tư.
Sau khi vua cha qua đời, Lưu Tư tự làm chủ vùng Quảng Lăng hơn 60 năm, cả đời tranh đoạt đế vị cùng Hải Hôn hầu Lưu Hạ và Hán Tuyên Đế Lưu Tuân.
Căn cứ nội dung tấu chương được tìm thấy, chú chó tên "Mi" kia là thú cưng được Lưu Tư nuôi dưỡng trong cung.
Trước đó, chú chó này đã đi lạc một lần, sau đó tự mình tìm được đường về cung. Nhưng trong một lần khác, Mi bị người lạ dẫn đi mà không để lại tung tích.
Lưu Tư đã mất nhiều tháng phái người tìm kiếm chú chó yêu của mình nhưng không thu được kết quả gì. Chỉ đến khi một vị quan viên tên "Toại" vô tình tìm được chú chó này và tra ra danh tính của kẻ "trộm chó" kia, Mi mới có cơ hội trở về bên chủ nhân thực sự của mình.
Từ sự việc này có thể thấy, vụ mất tích của chú chó tên Mi đã làm kinh động Quảng Lăng Vương, thậm chí khiến ông mất rất nhiều công sức để tìm kiếm.
Từ sự coi trọng của Quảng Lăng vương Lưu Tư đối với vụ án "tìm chó" này, có thể thấy trong văn hóa Hán triều thời bấy giờ, chó giữ một vị trí tương đối trọng yếu, thậm chí sinh mạng của chúng còn rất được coi trọng.
Kỳ lạ ngôi mộ dành riêng cho chó từ thời Tây Hán
Quy mô của ngôi mộ dành cho chó từ thời Tây Hán tuy không lớn, nhưng đã phần nào phản ánh tình cảm đặc biệt của cổ nhân dành cho loài động vật thông minh này.
Cách đây không lâu, tại thành Lịch Dương (Thiểm Tây, Trung Quốc), giới khảo cổ cũng đã từng phát hiện ngôi mộ táng thời Hán dành cho một chú chó. Các chuyên gia xác định ngôi mộ này có niên đại từ cuối thời Tây Hán.
Lúc đầu, đoàn khảo cổ đều cho rằng chú chó này được chôn cùng ngôi mộ của chủ nhân mình. Vậy nhưng, xung quanh ngôi mộ không phát hiện thêm một mộ táng nào khác.
Từ đó, giới khảo cổ khẳng định đây không phải là ngôi mộ tuẫn táng mà là nơi an nghỉ độc lập dành riêng cho một chú chó.
Càng đáng chú ý hơn là bên trong ngôi mộ có tới 31 đồ tùy táng. Nhưng với kết cấu đơn giản, quy mô nhỏ, chú chó này rất có thể là vật nuôi của người bình dân chứ không xuất thân trong nhà quyền quý.
Vào thời cổ đại, hầu như chỉ có người quyền thế hoặc các gia đình có điều kiện mới sở hữu đủ tài lực để xây cất một ngôi mộ khang trang.
Còn chú chó kia dù không được nuôi trong gia đình giàu có, nhưng lại được hưởng một nghi thức an táng kỹ lưỡng chẳng hề thua kém so với con người.
Sở thích đặc biệt của Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế
Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, chó là loại vật thường xuyên xuất hiện trong cung với vai trò là vật nuôi của Hoàng đế, hoàng tộc.
Một số nghiên cứu sử liệu khác còn cho thấy rằng, vào giai đoạn thời Tần – Hán, chó được bảo vệ chẳng khác con người là bao.
Năm xưa, Tần Thủy Hoàng dù nổi tiếng tàn bạo nhưng lại dành một niềm yêu thích đặc biệt đối với loại vật nuôi này.
Sử cũ ghi lại, trong cung A Phòng của ông từng nuôi rất nhiều chó. Để có đủ thức ăn cho đàn thú cưng của mình, Tần Thủy Hoàng đã sai nông dân ở bên ngoài thành Hàm Dương 300 dặm chuyển lương thực đến.
Thậm chí, những chú chó trong cung A Phòng được vị vua này nuôi dưỡng còn có khẩu phần ăn phong phú và đầy đủ hơn nông dân bên ngoài.
Tới thời nhà Hán, bản thân Hán Vũ Đế cũng được coi là một người rất thích chó.
Tương truyền rằng, vị vua này từng thu thập hàng ngàn chú chó để nuôi bên ngoài cung. Thậm chí, Hán Vũ Đế còn cho thành lập riêng một bộ phận chuyên để chăm sóc và phục vụ đàn chó của mình, đặt tên là "Cẩu Giám".
Từ đó có thể thấy, tình cảm dành cho chó của người xưa không hề thua kém so với người hiện đại. Thậm chí, trong nhiều bộ luật của các triều đại còn đề cập tới việc cấm giết chó nói riêng cũng như cấm sát sinh các loại động vật khác nói chung.
"Điền Luật" thời nhà Tần có quy định rõ: "Chó vào vườn mà không cắn vật nuôi, không cắn người thì không được giết, chỉ khi hại đến vật nuôi và người thì mới được giết".
Theo đó, kẻ tùy ý giết chó thậm chí có thể sẽ phải chịu sự truy cứu của luật pháp.
"Tứ thời nguyệt lệnh chiếu điều" cũng đưa ra quy định, đại ý là bách tính không được tự ý chặt cây cối, không được lấy tổ chim, phá trứng chim, không được sát hại động vật còn non, động vật đang mang thai,…
Những minh chứng này đã cho thấy, ngay cả khi xã hội loài người chưa phát triển thì quyền lợi của những loài động vật từ sớm đã nhận được sự coi trọng của con người thời bấy giờ.