Vào những năm 1970, một bà lão mang theo một chiếc bát cũ trong nhà đến cửa hàng đồ cổ ở Bắc Kinh, Trung Quốc để bán kiếm ít tiền trang trải cuộc sống. Đó là một chiếc bát màu xanh lam, có lớp men đều màu với thành bát dày, bên trong có vết xước nhỏ và dính đầy bụi bẩn.
Các nhân viên sau khi tiếp nhận và cẩn thận kiểm tra chiếc bát đã hỏi bà về công dụng của nó. Bà lão cười nhẹ rồi thật thà trả lời: “Cái bát này đã có ở nhà tôi trong nhiều năm. Lúc đầu, tôi dùng nó để đựng muối. Về sau không cần nữa nên đã dùng nó để cho gà ăn.”
Theo quan sát của nhân viên tiệm đồ cổ, trên chiếc bát xanh lam có những đốm trắng nhỏ. Nếu là người thường, nhìn bề ngoài của chiếc bát sẽ không thấy nó ấn tượng, thế nhưng vì là người trong nghề, nhân viên này lại cảm thấy những họa tiết màu trắng đó rất tinh tế.
Ảnh minh họa: Sohu
Tuy nhiên, vì chưa có đủ kinh nghiệm để nhận biết giá trị thực của món đồ, người này chỉ có thế xác nhận với bà cụ đây đúng là đồ cổ. Còn để có thể đưa ra kết luận chính xác về lai lịch cũng như giá trị của món đồ thì họ chưa thể cho bà câu trả lời ngay được.
Cuối cùng, sau khi thảo luận, nhân viên tiệm đồ cổ quyết định mua lại chiếc bát cũ dùng để cho gà ăn của bà cụ với giá 80 NDT (hơn 260.000 đồng). Bà lão cũng rất hài lòng với mức giá này bởi với bà, 80 NDT vào thời điểm đó không phải là số tiền nhỏ. Hơn nữa, bà cụ cũng không nghĩ một cái bát dùng để cho gà ăn lại có giá trị lớn. Vì vậy nên số tiền nhận được đã vượt quá sự mong đợi của bà.
Sau đó, có lẽ vì lo lắng sau này nhân viên sẽ hối hận nên bà lão đã vội vàng rời đi mà không để lại tên và địa chỉ nhà.
Sau khi được nhân viên tiệm đồ tiến hành vệ sinh chiếc bát, những ký tự vốn đã bị bụi bẩn che khuất ở dưới đáy dần dần xuất hiện. Lúc này, họ mới nhìn rõ dòng chữ: “Đại Minh Tuyên Đức Niên Chế" (có nghĩa là được chế tác vào thời vua Minh Tuyên Tông, triều đại nhà Minh).
Nhận thấy nét chữ trên bát rất thanh thoát và đẹp, không giống như bị bắt chước, nhân viên này bần thần khi cho rằng nó có thể là một di vật văn hóa thời nhà Minh với lịch sử lên đến 500 - 600 năm. Hoài nghi đây là vật có giá trị quan trọng đối với nghiên cứu lịch sử Trung Quốc nên người này đã nhanh chóng báo cáo sự việc cho cơ quan liên quan.
Chiều hôm đó, lối vào tiệm đồ cổ này chật kín ô tô, nhiều chuyên gia đồ sứ nổi tiếng khắp Trung Quốc đều lần lượt ghé đến. Mọi người nín thở khi chiếc bát màu xanh được đặt lên bàn. Quan sát từ hình dáng, chất liệu cho đến tay nghề thủ công, các chuyên gia đều khẳng định đây là món đồ sứ được nung ở Cảnh Đức Trấn, thuộc tỉnh Giang Tây vào thời vua Minh Tuyên Tông.
Chiếc bát cho gà ăn của bà cụ Trung Quốc. Ảnh: Sohu
Theo các ghi chép lịch sử, các sản phẩm tráng men xanh từ thời kỳ này rất hiếm vì đòi hỏi tay nghề phức tạp. Trong quá trình nung, nghệ nhân cần dùng ống tre thổi men ngọc lên bề mặt sứ, sau đó nung từ từ trong khoảng thời gian nhất định trước khi lấy ra rồi xử lý cẩn thận các vết nung.
Quá trình sản xuất này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại vô cùng khó khăn khi thực hiện. Ngay cả những chuyên gia làm đồ sứ dày dặn kinh nghiệm cũng khó có thể tạo ra được những sản phẩm hoàn hảo như vậy. Có thể nói, đằng sau mỗi sản phẩm được chế tác thành công là một bàn tay với kỹ năng điêu luyện ít ai sánh kịp.
Đáng buồn thay, sau khi vua qua đời, phương pháp làm loại bát này đã bị thất truyền. Những chiếc bát làm trước đây vì nhiều nguyên nhân đã dần bị hư hỏng nặng, cuối cùng chỉ còn lại 3 chiếc.
Chiếc bát cho gà ăn của bà cụ Trung Quốc. Ảnh: Sohu
Các chuyên gia cho biết, theo thống kê, trên thế giới chỉ có 3 sản phẩm tráng men xanh hoàn chỉnh từ thời vua Minh Tuyên Tông nhà Minh, Trung Quốc. Cụ thế, 1 chiếc nằm ở Bảo tàng Thủ đô Bắc Kinh, 1 chiếc ở Bảo tàng Thiên Tân và chiếc còn lại chính là "bát cho gà ăn" của bà lão nghèo.
Đến năm 1980, chiếc bát này đã được đưa ra đấu giá và được một gia đình ở Hong Kong (Trung Quốc) mua lại với giá 3,7 triệu đô la Hong Kong (hơn 11,5 tỷ đồng).
(Theo Sohu)