Con gái Trung Quốc nghiện phẫu thuật thẩm mỹ
Tờ Sixthtone trước đây có đăng tải một bài viết kèm 3 bức hình giống hệt nhau của một người phụ nữ trẻ. Mỗi bức ảnh đều được đánh dấu, chú thích bằng mực đen với những nét vẽ nguệch ngoạc nhằm chỉ ra các điểm chưa thực sự hoàn hảo trên khuôn mặt.
Chủ nhân của khuôn mặt trên là Lu Yufan, 28 tuổi, đang sống tại Trung Quốc. Cô quyết định tham gia chương trình thực tế về phẫu thuật thẩm mỹ Make Me Beautiful với hy vọng có thể một bước đổi đời.
Được biết trong suốt 3 năm, Lu đã đến nghe tư vấn tại hơn 10 địa chỉ phẫu thuật thẩm mỹ khác nhau ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Hàn Quốc. Mỗi lần, cô đều ghi chép lại chi tiết những điều bác sĩ tư vấn, song vẫn chưa biết mình nên thực hiện phẫu thuật ở cơ sở nào.
“Tôi đã biết những bộ phận nào trên khuôn mặt không phù hợp với mắt thẩm mỹ của số đông. Tôi tham khảo thêm ý kiến các bác sĩ để kiểm tra lại gu của mọi người”.
Khuôn mặt trên là Lu Yufan
Lu chỉ là một trong số rất nhiều người trẻ tại Trung Quốc đắn đo trước khi quyết định phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi ngoại hình và cuối cùng là thay đổi cả số phận. Ngoại hình đạt chuẩn dường như đã trở thành nỗi ám ảnh đối với bất kỳ cô gái Trung Quốc nào.
Lu chia sẻ rằng khi lên cấp 2, cô bắt đầu không hài lòng về vẻ ngoài của mình - điều mà đa số các nữ sinh, nam sinh lúc bấy giờ đều rất quan tâm và đề cao.
“Các bạn nam xếp hạng nữ sinh theo ngoại hình. Có người đã tới chỉ thẳng mặt tôi nói rằng tôi chỉ xứng đáng đứng cuối danh sách. Điều này đã thúc giục tôi buộc phải thay đổi cho thật hoàn hảo”, Lu nói.
Vào những năm 2000, truyền hình Trung Quốc xuất hiện rất nhiều các chương trình thực tế xoay quanh những phụ nữ trẻ muốn phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có show “Angels Love to Be Pretty”. Người tham gia sẽ được phẫu thuật miễn phí, sau đó được bình chọn để tìm ra cô gái hoàn mỹ có vẻ đẹp cải thiện nhiều nhất. “Angels Love to Be Pretty” sau đó đã bị cấm phát sóng tại đại lục song vẫn khiến Lu vô cùng ấn tượng.
Công cụ đo khuôn mặt, những vị trí cần phẫu thuật để đáp ứng tiêu chuẩn ngoại hình của xã hội
Năm 2010, cô tốt nghiệp cấp 3. Nhìn bạn bè đồng trang lứa rủ nhau đi làm mũi, mắt, hàm, Lu ngày càng thêm tự ti vì khuôn mặt kém hoàn hảo. “Tôi không tự tin về nhiều mặt. Phẫu thuật thẩm mỹ là cách giải quyết các vấn đề”, cô gái này chia sẻ.
Và đúng như dự đoán, gần như mọi chuyên gia tư vấn đều cho Lu những lời khuyên chỉnh sửa khuôn mặt giống nhau: Kích mí, nâng mũi, gọt hàm và xoá nhăn. “Gương mặt thương hiệu” này rất phổ biến trên mạng xã hội và trở thành xu hướng làm đẹp thống trị trong nhiều năm. Các bác sĩ thường sẽ không hỏi khách hàng của mình thích gì mà ngay lập tức chú thích nguệch ngoạc lên khuôn mặt họ để chỉ ra khuyết điểm.
“Chuỗi những ngày đi khám và tư vấn đủ để khiến tôi nhận ra mình không xinh đẹp”. Tuy nhiên, sau khi tiếp tục đến thêm nhiều các phòng khám khác, Lu chợt nhận ra mặt tối của ngành công nghiệp bội tiền này. Một số cơ sở làm đẹp mời gọi Lu sử dụng những dịch vụ đắt xắt ra miếng với lý do “có như vậy mới giảm thiểu được rủi ro trên bàn mổ”.
Một trường hợp khác là Mian Duo, 30 tuổi, ở Thành Đô, Trung Quốc. Dù sở hữu vẻ ngoài ưa nhìn, xinh xắn, cô vẫn muốn được xinh đẹp giống như những thần tượng mạng xã hội nên đã quyết định sang Hàn Quốc gọt xương hàm và gò má.
Hơn 2 năm sau, cô gái này tiếp tục phẫu thuật nâng ngực để sở hữu vẻ ngoài hoàn hảo như các minh tinh, diễn viên truyền hình. Những người như Lu và Mina đã góp phần giúp ngành công nghiệp thẩm mỹ tăng trưởng chóng mặt.
Tính đến năm 2017, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung Quốc đã thực hiện hơn 16 triệu ca, qua đó giúp quốc gia này đứng thứ 3 trong thị trường phẫu thuật thẩm mỹ thế giới. Theo SoYoung, nền tảng trực tuyến về phẫu thuật thẩm mỹ, 90% khách hàng là nữ giới, đặc biệt là những cô gái trẻ ở độ tuổi dưới 26. Với họ, dao kéo chỉ như một trong những món đồ xa xỉ tương tự túi xách, điện thoại xịn mà bản thân sẵn sàng chi tiêu.
Theo: Sixthtone