Vụ "kiều nữ Hải Dương": Không thể buộc tội hiếp dâm cho nữ giới

Bộ Luật Hình sự Việt Nam chưa có điều khoản nào xác định chủ thể một vụ hiếp dâm là nữ giới.

 Toàn cảnh vụ tin đồn KIỀU NỮ HẢI DƯƠNG ép lái xe taxi "quan hệ"

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với các luật sư về khía cạnh pháp lý về câu chuyện "kiều nữ Hải Dương" rình rang trên mạng trong những ngày qua.

Mấy ngày qua, theo thông tin trên một số tờ báo, có một Việt kiều Mỹ tên N. ở Hải Dương thường xuyên gọi điện cho các tài xế của hãng taxi ML. Trước cửa ngôi nhà chị N. ở có gắn camera, khi thấy tài xế là thanh niên đẹp trai, khỏe mạnh… thì chị N. mới mở cửa cho vào và “nhốt” cả người lẫn xe trong nhà, bắt quan hệ tình dục. Có người bị chị này “hiếp” tới 30 lần trong hai ngày đến “thân tàn ma dại”, phải gọi điện “cầu cứu”.

Lại có thêm thông tin là có video clip quay cảnh “giường chiếu” của chị N. được phát tán trên mạng. Vậy ai là người quay clip và post lên mạng với mục đích gì?

Nhìn vụ việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Phùng Thanh Sơn (Đoàn luật sư TP.HCM), cho rằng nếu giả sử có chuyện chị N. buộc các tài xế ML phải quan hệ tình dục thì cũng không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can với chị N. về tội hiếp dâm.

“Bộ luật Hình sự nói “người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực giao cấu với nạn nhân trái ý muốn thì bị phạt tù từ 2-7 năm”. Như vậy, có thể thấy luật không quy định chủ thể của tội hiếp dâm là nam hay nữ. Nhưng thực tiễn xét xử cho thấy nam bị truy tố, xét xử về tội hiếp dâm là phổ biến. Còn phụ nữ thì chưa bao giờ bị khởi tố về tội hiếp dâm với vai trò chủ động, trừ khi là đồng phạm về tội hiếp dâm như giữ tay, chân… một người phụ nữ khác để cho người đàn ông hiếp dâm”, luật sư Sơn nói.

Do đó, nếu một người phụ nữ không dùng vũ lực, hoặc cũng không đe dọa vùng vũ lực nhưng có thủ đoạn khác (như lén lút dùng thuốc kích dục...) để buộc một người khác phái phải giao cấu trái ý muốn của họ thì lúc đó mới bị truy tố về tội hiếp dâm và chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

“Những hành vi gợi tình như mặc áo khoét sâu hở cổ, dựa ngực vào vai đàn ông, liếc mắt đưa tình, mở phim sex cho coi, đang tắm nhờ vào kỳ lưng, nhờ đưa quần áo trong lúc đang khỏa thân, mặc áo ngủ không nội y nằm ngã ngớn trên giường… rồi khiến cho người đàn ông “lên máu”, chịu không nổi phải quan hệ tình dục, dù người đàn ông không muốn thì cũng không thể xem là người phụ nữ đó phạm tội hiếp dâm. Bởi, hiếp dâm là phải “trái ý muốn” nên trong những trường hợp đó, dù người đàn ông không muốn quan hệ tình dục nhưng vì bị “gợi tình”, không kiềm chế nổi bản thân nên vẫn tự nguyện quan hệ tình dục thì không thể xem là họ bị ép buộc, bị làm trái ý muốn”, luật sư Sơn nhận định.

Chỉ khi nào người phụ nữ đó, lợi dụng lúc các nam tài xế ML không biết, chủ động bỏ thuốc kích dục vào ly nước rồi lừa cho họ uống, sau đó thấy đối tác “chịu hết nổi” rồi lao vào bắt họ quan hệ tình dục thì lúc đó người phụ nữ mới bị tội hiếp dâm.

“Hành vi dùng thuốc kích dục bỏ vào nước uống khiến người đàn ông phải quan hệ tình dục trái ý muốn là đã dùng “thủ đoạn khác” khiến anh ta tê liệt ý chí, buộc phải quan hệ tình dục dù trong lòng không muốn… đã đủ yếu tố cấu thành tội hiếp dâm”, luật sư Sơn phân tích.

Cùng quan điểm, một luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai (đề nghị không nêu tên), cho rằng về học thuật thì ngay cả Cử nhân luật cũng khẳng định phụ nữ không thể là chủ thể bị điều chỉnh bởi tội hiếp dâm, ngoại trừ với vai trò đồng phạm.

Giả sử nếu các thông tin về sự việc trên là hoàn toàn đúng sự thật, các nạn nhân tài xế taxi là người thật, việc thật thì họ hoàn toàn có quyền tố cáo sự việc đến Cơ quan Công an để xem xét, xử lý cô Việt kiều nọ về hành vi cưỡng dâm theo Điều 113 Bộ luật Hình sự.

Khoản 1 Điều 113 Bộ luật Hình sự quy định người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

​Trong trường hợp ngược lại, nếu các thông tin về sự việc trên là hoàn toàn bịa đặt, dựng chuyện thì người phụ nữ đó có thể đứng ra tố cáo đối với các cá nhân có hành vi vu khống đến cơ quan công an để xử lý hình sự về tội vu khống.

Theo đó, Khoản 1 Điều 122 Bộ luật Hình sự quy định người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Trong trường hợp đó, nếu nhận thấy thông tin được lan truyền trong dư luận là sai sự thật, người phụ nữ này có thể trình báo sự việc, đề nghị cơ quan công an điều tra làm rõ để trả lại danh dự, nhân phẩm cho bản thân.

“Về thông tin hiện có clip quay cảnh “giường chiếu” của chị N. được phát tán trên mạng, giả sử là đúng, thì người quay clip và phổ biến cho nhiều người biết, dù đó là “nạn nhân bị hiếp dâm” đi chăng nữa thì cũng bị khởi tố về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 253 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt tới ba năm tù”, luật sư Sơn khẳng định.

Cuối cùng, dù cho trong vụ này, thông tin có đúng hay sai thì Cơ quan cảnh sát điều tra cũng cần sớm có những biện pháp nghiệp vụ ngay lập tức để công bố cho công luận biết, tránh sự hoang mang không đáng có.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại