Chiều ngày 24/3, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết đã triệu tập 03 đối tượng liên quan đến vụ chặn xe cứu thương đang đưa thi thể ra khỏi Bệnh viện Việt Đức.
Các đối tượng gồm: Trần Quốc Hiệp, sinh năm 1979, trú tại 39 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm; Nguyễn Văn Tùng, sinh năm 1981, trú tại 200 Tứ Liên, Tây Hồ và Cù Chí Quang (tức Tuấn) sinh năm 1977, trú tại 53 ngõ 128, Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội.
Theo cơ quan điều tra, khoảng 19h 30’, ngày 23/3, anh Nguyễn Hữu Thông, sinh năm 1986, nhân viên Trung tâm giám định pháp y tỉnh Nghệ An, lái xe cứu thương chở người nhà bệnh nhân mang thi thể từ bệnh viện Việt Đức về quê Nghệ An để lo hậu sự.
Khi đi ra đến cổng bệnh viện thì bị 03 đối tượng chặn lại, chửi bới đánh anh Thông và làm vỡ 01 chiếc gương chiếu hậu của xe cứu thương. Ngay sau đó các đối tượng bỏ đi khỏi hiện trường.
Trao đổi với PV, Thượng tá Hà Hùng (Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết, vụ việc đang được đơn vị này tập trung điều tra làm rõ. Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan CSĐT sẽ xử lý nghiêm hành vi của các đối tượng trước pháp luật.
“Cò” xe cứu thương lộng hành
Chiều cùng ngày, tại buổi tiếp xúc báo chí, bà Nguyễn Thị Bích Hường – Phó Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện Việt Đức đã có công văn đề nghị Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm vào cuộc điều tra về việc các đối tượng gây mất an ninh trật tự.
Theo bà Hường, nơi xảy ra sự việc nằm ngoài khuôn viên bệnh viện, tức là trước cổng. Nhóm gây ra vụ việc là nhóm một số người hành nghề “cò” xe vận chuyển bệnh nhân.
“Nguyên tắc thì khu vực ngoài phạm vi bệnh viện là trách nhiệm của công an phường quản lý.
Nhưng nếu sự việc xảy ra thì bảo vệ bệnh viện vẫn có trách nhiệm bảo vệ, can thiệp. Nếu xảy ra trong khuôn viên đó là trách nhiệm của chúng tôi, phạm vi đó chúng tôi có thể xử lý ngay”, bà Hường nói.
Về thông tin nhóm người hành hung là bảo kê dịch vụ vận tải tại bệnh viện, bà Hường nói: “Trước đây, hiện tượng này rất phổ biến, sau khi chúng tôi tổ chức xã hội hóa và tổ chức xe của bệnh viện để đưa bệnh nhân về thì tình trạng này giảm hẳn.
Việc các đối tượng đi lại trong bệnh viện để hành nghề “cò” xe dịch vụ vận chuyển, bảo vệ bệnh viện cũng không thể ngăn cản, bởi vì các đối tượng này cũng không vi phạm pháp luật...
Bệnh viện cũng dán thông báo về những đối tượng ‘cò mồi’, khuyến cáo người dân không sử dụng để tránh rủi ro, bị chèn ép giá”- bà Hường cho biết.
Cũng theo Phó giám đốc bệnh viện, về cơ bản, hiện tượng cò mồi đã giảm nhưng chưa triệt để.
Theo lãnh đạo viện Việt Đức, có những hộ dân đã làm dịch vụ này từ rất lâu, họ sống bằng nghề này, bệnh viện cũng không có quyền cấm họ làm hoạt động dịch vụ, cũng không thể cấm người dân sử dụng dịch vụ của họ.
“Chúng tôi chỉ cố gắng hết sức để phục vụ đưa đón người bệnh. Dịch vụ của bệnh viện rất tốt, giá bằng giá taxi, không có việc chèn ép giá để người bệnh yên tâm sử dụng.
Ngoài 10 chiếc xe của bệnh viện còn có 16 xe của công ty Vận chuyển người bệnh Bắc Việt, có liên kết và cam kết với bệnh viện về dịch vụ để tiến hành vận chuyển.
Tuy nhiên, cứ xe của chúng tôi còn thì không có chuyện gì xảy ra nhưng khi hết thì các ‘cò’ lại hoạt động” - bà Hường thông tin.
Tiếp xúc PV, tài xế Nguyễn Hữu Thông cho hay, khoảng hơn 19h (23/3) khi anh Thông đưa bệnh nhân tử vong ra đến cổng bệnh viện thì bị các đối tượng chặn lại hỏi giấy tờ xuất viện và "lệ phí".
Anh Thông đưa cho họ 20.000 đồng do lần này anh chở người nhà (Cháu của chủ xe), nhưng các đối tượng không nghe.
“Thông thường xe chở bệnh nhân từ các nơi khác về nếu trên xe không có người phải nộp lệ phí là 20.000 đồng – 50.000 đồng còn xe có người phải nộp từ 100.000 đồng – 200.000 đồng mới được ra viện.
Bình thường tôi vẫn nộp cho họ nhưng hôm nay là người nhà nên tôi không đồng ý. Từ trước đến nay họ đã làm khó rồi...”, tài xế Thông tiết lộ.
Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ.
---
Đón đọc hàng loạt các vụ án dài kỳ ấn tượng, đặc sắc nhất tại chuyên mục KỲ ÁN