Sau phiên tòa sơ thẩm xét xử Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng) cùng đồng phạm tổ chức cho anh trai là Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, 7 bị cáo đã làm đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt. Theo dự kiến, phiên tòa phúc thẩm sẽ được mở vào ngày 22/5/2014. Liên quan tới vụ án này có nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, đây là "án điểm" và việc xử lý tội phạm "không có vùng cấm".
Vì sao tòa sơ thẩm tuyên mức án cao?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia pháp lý thì vụ án Dương Tự Trọng có lẽ là vụ án "lịch sử" ở nhiều khía cạnh và có nhiều tình tiết đặc biệt gây xôn xao dư luận. Trước hết, đó là tính chất nghiêm trọng về hành vi phạm tội của các bị cáo, trong đó có cả "ê kíp" phạm tội và sự tiếp tay của tội phạm khác. Thứ hai, bị cáo chủ mưu là Dương Tự Trọng, nguyên là Đại tá, Phó Giám đốc công an TP.Hải Phòng, nguyên Cục phó cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội của bộ Công an, người đã có nhiều chiến công trong cuộc đấu tranh chống tội phạm nguy hiểm. Thứ ba, hầu hết các bị cáo đều nguyên là cán bộ công an của Công an TP.Hải Phòng.
Người được Trọng cùng đồng phạm tổ chức trốn đi nước ngoài cũng là một nhân vật nổi tiếng - Dương Chí Dũng (anh ruột bị cáo Dương Tự Trọng), nguyên là Cục trưởng cục Hàng hải, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines, đã bị TAND TP.Hà Nội kết án tử hình vì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản.
Đây cũng là phiên tòa xét xử tội phạm mà chủ thể là người từng có chức vụ quyền hạn cao trong ngành công an. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm, kẻ phạm tội dù bất kể là ai, cương vị nào cũng đều bình đẳng trước pháp luật.
Tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo Dương Tự Trọng bị tuyên án 18 năm tù giam.
Theo đó, ngày 8/1/2014, TAND TP.Hà Nội đã đưa vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm phạm tội tổ chức người trốn đi nước ngoài ra xét xử sơ thẩm. Phiên tòa này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong cả nước.
Theo bản án sơ thẩm, biết anh trai là Dương Chí Dũng bị khởi tố, Dương Tự Trọng đã tổ chức cho ông Dũng trốn đi nước ngoài. Việc này được Vũ Tiến Sơn (cựu Phó phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.Hải Phòng) thay mặt Dương Tự Trọng "giải quyết". Dương Chí Dũng sau đó được đưa vào TP.HCM, ra cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sang Campuchia rồi tới Singapore. Tới đây, vì Dũng không xin được visa vào Mỹ, do đó từ Singapore, Dương Chí Dũng quay lại Campuchia và ở tại đây gần 4 tháng cho tới khi bị bắt (tháng 9/2012).
Theo tòa án cấp sơ thẩm, Dương Tự Trọng không thừa nhận nhưng cũng không phủ nhận lời khai của các bị cáo khác. Tuy nhiên, HĐXX căn cứ vào tài liệu và lời khai của các bị cáo, tòa nhận thấy việc truy tố là có căn cứ, đúng pháp luật. TAND TP.Hà Nội nhận định, hành vi đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn của 7 bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Việc Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia đã gây khó khăn cho việc điều tra truy tố xét xử trong vụ án xảy ra tại Vinalines. Nếu không bắt được Dương Chí Dũng sẽ tốn kém công sức, tiền bạc của Nhà nước. Việc Dương Chí Dũng bị bắt là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo.
Bị cáo Trọng vốn là cán bộ công an cấp cao, từng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng chống tội phạm nhưng đã cố ý vi phạm pháp luật. Hành vi của bị cáo gây khó khăn cho công tác điều tra vụ án xảy ra tại Vinalines nên dù có nhiều thành tích trong công tác nhưng cần phải áp dụng mức án cao. Vì lẽ đó, tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Dương Tự Trọng mức án cao nhất: 18 năm tù giam.
Luật pháp bất vị thân
Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, mức án 18 năm tù giam dành cho bị cáo Dương Tự Trọng, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Mức án đó cũng cho thấy sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm, rằng luật pháp luôn bình đẳng đối với mọi công dân.
Luật sư Nguyễn Thị Oanh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội nhận định, đây là vụ án "nhiều ai oán" nhất. Vì tình anh em, tình đồng nghiệp mà Dương Tự Trọng cũng như các cựu đồng nghiệp của mình đã mất đi cả sự nghiệp. Tuy nhiên, đứng trước những tình huống pháp lý liên quan đến những người thân, không dễ để một người có cách xử trí đúng đắn nhất. Đánh giá về việc Dương Tự Trọng cùng đồng phạm tổ chức cho anh trai là Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng đó là "bài toán luẩn quẩn" nhất của Trọng. "Luật pháp bất vị thân", giá như Dương Tự Trọng suy xét kỹ vấn đề có tính lô-gíc của luật pháp và tính quy luật thì mọi việc đã không quá tồi tệ.
Tổ chức cho anh trai bỏ trốn là "bài toán luẩn quẩn" nhất của Dương Tự Trọng.
Mặt khác, bản thân Dương Tự Trọng đã từng đấu tranh truy bắt và triệt phá nhiều vụ án phức tạp, bắt những tên tội phạm sừng sỏ, có nhiều thành tích cũng như đóng góp trong ngành công an nói chung và công an Hải Phòng nói riêng, nhưng công và tội phải tách bạch rõ ràng. Đáng lẽ Dương Tự Trọng phải là người bình tĩnh hơn ai hết để xử lý, giải quyết tình huống bằng cách khuyên nhủ, động viên anh trai ra đầu thú. Tiếc là Dương Tự Trọng đã không đủ tỉnh táo để nhận định, giải quyết tình huống một cách thông minh, gây ra sự tiếc nuối xen lẫn trách móc trong đồng nghiệp và khiến dư luận hoài nghi.
Điều này được thể hiện rõ trong lời nói sau cùng của Dương Tự Trọng tại phiên sơ thẩm: "Cho phép tôi được nói tâm tư, tình cảm trong vòng hơn một phút. Do lâu ngày không được phát biểu, nếu có gì lạc hậu mong HĐXX châm chước. Dương Chí Dũng là anh ruột của tôi, thời gian qua tôi luôn sống với kỷ niệm của hai anh em và càng thấy thương anh tôi nhiều hơn. Tôi vẫn thầm ước được chịu tội thay anh tôi và mong anh tôi được hưởng sự khách quan, khoan hồng của pháp luật và lòng từ bi, khoan dung, vị tha của người đời. Tình cảm ấy mỗi con người ai cũng có, mong mọi người thông cảm. Với những bị cáo khác, mong HĐXX xem xét đúng người đúng tội, mở lượng khoan hồng để họ sớm được trở về với cuộc đời. Cá nhân tôi xin chấp hành nghiêm túc mọi hình phạt". "Ở đời, ai cũng có những sai lầm không thể làm lại được", luật sư Oanh nhấn mạnh.
Trao đổi với PV, TS. Hoàng Văn Hùng, Trưởng bộ môn Luật Hình sự, đại học Luật Hà Nội: "Tôi nhìn nhận vụ án Dương Tự Trọng dưới hai góc độ. Thứ nhất, Dương Tự Trọng là một cán bộ có chức vụ, quyền hạn. Ngoài trách nhiệm của một công dân thì Trọng còn có trách nhiệm của một người thực thi pháp luật. Thế nhưng Dương Tự Trọng lại vi phạm pháp luật. Đây là hành vi gây hậu quả nghiêm trọng. Xét về trách nhiệm của công dân, đáng lẽ thấy anh trai mình phạm tội, Trọng phải vận động anh ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Tiếc là Trọng lại làm ngược lại, bằng cách tổ chức cho anh trai trốn đi nước ngoài, gây khó khăn cho công tác điều tra vụ án xảy ra ở Vinalines. Như vậy, nói về trách nhiệm của công dân, Dương Tự Trọng đã không làm tròn.
Thứ hai, xét về gốc độ tình cảm, theo diễn biến về mặt tâm lý vì tình cảm gia đình mà Dương Tự Trọng có hành vi sai trái. Tuy nhiên, người đáng trách trong vụ án này chính là Dương Chí Dũng. ông Dũng đã kéo em trai vào vòng lao lý. Là người thực thi pháp luật, hơn ai hết, Dương Tự Trọng thừa hiểu mức án anh mình phải chịu là như thế nào. Mặt khác, Trọng thiếu suy nghĩ mặc dù biết tổ chức cho anh trai trốn đi nước ngoài trước sau cũng bị bại lộ, nhưng có lẽ vì sự day dứt mà biết "chết", Trọng vẫn phải làm để cuộc sống sau này được thanh thản. Vì anh trai, Trọng đã chấp nhận bỏ hết danh dự, sự nghiệp và làm liên lụy tới nhiều người khác".
Vụ án vì một chữ "tình"?
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Dương Tự Trọng có thể "bỏ hết" vì anh trai nhưng những bị cáo khác, những người vốn là thuộc cấp của Dương Tự Trọng khi còn là Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng, thì đã vì ai mà vướng vòng lao lý? Họ đã vì một chữ “tình” với "sếp" hay vì một lý do nào khác?
>> Xem thêm clip: Dương Tự Trọng tươi cười rời tòa
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA