Hôm chúng tôi lên tìm hiểu thông tin về vụ đại án Dương Thanh Cường can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến ngân hàng Agribank chi nhánh 6 thì may mắn gặp Thượng tá Nguyễn Đại Sơn ở Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu.
Lúc này mới nhận ra, ông Sơn một thời từng “nổi tiếng” với cuộc truy bắt sát thủ - nhân chứng Nguyễn Việt Hưng.
Quả thực sự hấp dẫn của cuộc truy bắt đó khiến chúng tôi phải viết tiếp, theo cách riêng của mình. Đó là một cuộc truy bắt tội phạm đầy cam go và táo bạo.
“Thánh địa” vàng
Đã hơn một thập kỷ trôi qua, kể từ ngày trùm giang hồ Năm Cam cùng đồng bọn phải chịu tội xử bắn.
Chuyên án lớn nhất từ trước đến nay đã lùi vào quá vãng, thế nhưng trong tâm trí của một điều tra viên từng tham gia chuyên án đó, ấn tượng về sự nguy hiểm và lòng quả quyết vẫn còn khó mờ phai.
Vào cuối năm 2001, khi Năm Cam đã sa lưới pháp luật thì Nguyễn Việt Hưng (tự Hưng “phi nhon”) tẩu thoát.
Trước đó, Hưng dùng súng bắn chết giang hồ Dung Hà, một đối thủ lớn của Năm Cam. Vụ này Năm Cam chủ mưu, nếu không tìm ra Hưng thì công an khó có bằng chứng để truy tố Cam về tội chủ mưu giết người.
Ban chuyên án do Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Tổng Cục phó Tổng Cục Cảnh sát làm trưởng ban xác định “bằng mọi giá phải bắt bằng được Nguyễn Việt Hưng, không để y chạy thoát hoặc tự sát”.
Lên kế hoạch tác chiến trước khi bước vào "thánh địa" vàng - Ảnh: CA
Từ nguồn tin cơ sở báo về, ông Sơn (lúc này là Thiếu tá, điều tra viên Cục Cảnh sát điều tra C16 - Bộ Công an) biết được Hưng đã tìm về vùng vàng Khe Tăng, thuộc huyện Phước Sơn, Quảng Nam.
Địa điểm này tiếp giáp với tỉnh Kon Tum và dễ dàng đi sang Campuchia lẩn trốn. Thiếu tá Sơn báo cáo gấp cho Thượng tá Nguyễn Thế Bình, phó Ban chuyên án lên kế hoạch vây bắt.
“Thánh địa” vàng Phước Sơn là một vùng rừng thiêng nước độc, giang hồ tứ chiếng, kẻ nghiện hút và trốn nã tìm về đó đào đãi vàng. Bãi vàng Khe Tăng có trên 1.000 người, đa số là người từ tỉnh Thái Nguyên vào.
Nhận lệnh, Thiếu tá Sơn cùng trung tá Đặng Văn Chính lái xe ra sân bay Tân Sơn Nhất để bay về TP. Đà Nẵng. Lúc đó là 13 giờ chiều giáp Tết ngày 29-1-2002, hai điều tra viên không quên lận lưng hai khẩu súng K59 với 40 viên đạn.
Tại sân bay Đà Nẵng, một chiếc xe Range rover hai cầu chờ đón sẵn, trên xe có tài xế và Thiếu tá Nguyễn Hữu Lài, Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đà Nẵng.
Chiếc xe âm thầm chạy thẳng vào Tam Kỳ để bí mật gặp gỡ với cơ sở đặc biệt.
Nguồn tin cơ sở cho hay, muốn vào bãi vàng bắt tên Nguyễn Việt Hưng phải cải trang, đồng thời vẽ sơ đồ đi lại trong rừng, chi tiết từng núi vàng, khe vàng và lán trại của bọn “phó tướng”.
Sau vài phút tính toán, Thiếu tá Sơn cùng đồng đội dông xe chạy thẳng lên hướng huyện lỵ Khâm Đức. Cơn mưa vào chập choạng tối ở rừng núi Phước Sơn như trút nước, mang theo hơi gió lạnh ngắt, cảnh vật nhuốm màu ảm đạm.
Từ Khâm Đức muốn vào được Khe Tăng phải mất hai ngày đi bộ đường rừng. Giữa rừng nhiều đoạn nước suối sâu chảy xiết dữ, vắt rừng muỗi bạc bay thành đàn.
Thiếu tá Sơn suy tính, phải tháo biển số xe để không ai hay biết, cũng không ghé vào công an huyện Phước Sơn.
Chỉ cần hở thông tin công an đang tìm Hưng ở Khe Tăng lọt vào các chủ bãi thì sẽ để sổng hắn mất. Tai mắt chủ núi, chủ bưởng và “phó tướng” có mặt khắp mọi nơi.
“Mãi lộ” giữa rừng
7 giờ sáng ngày 30-1-2002, nhóm người ra một chợ gần đó mua sắm balo, áo quần, lương khô và nước ngọt chuẩn bị cho chuyến cuốc bộ vào rừng.
Cơ sở ghé tai nói với Thiếu tá Sơn, “muốn bắt Hưng thì cách tốt nhất là bắt lúc 3-4 giờ rạng sáng, khi đó Hưng ngủ say nhất.
Còn lúc 11-12 giờ đêm, hắn đang chích hút ma túy, lúc lên cơn phê sẽ liều lĩnh chống trả. Còn bắt lúc 7-8 giờ sáng thì Hưng có cơ hội chạy trốn biệt tăm vào núi rừng”.
Nhóm người do Thiếu tá Sơn dẫn đầu chuẩn bị tinh thần bước vào cuộc chiến. Họ luồn lách giữa núi rừng âm u, hoang lạnh, vượt qua những ghềnh sâu đá cao sắc nhọn.
Dọc đường vắt bu bám vào mặt hút máu, muỗi vo ve quanh người. Có người vừa đến các bản làng người dân tộc thiểu số để ngủ nhờ qua đêm thì đôi chân đã phồng rộp, tứa máu.
Dọc đường vào Khe Tăng, nhóm của Thiếu tá Sơn thường chạm trán với các tổ “tò vò”, thường là bọn thổ phỉ hung hãn chặn đường xin tiền “mãi lộ”.
Đêm tối, nhóm người lầm lũi bước đều theo ánh sáng mờ nhạt của chiếc đèn pin. Chiếc gậy ngáng đường, một tên thổ phí gằn giọng: “Nộp tiền”. “Tiền gì?” ông Sơn lạnh lùng đáp. “Tiền đường, mỗi thằng 50.000, 4 thằng 200.000, đưa mau”.
Đường vào Khe Tăng có hàng chục trạm “mãi lộ” như thế, lần nào nhóm người cũng lặng im đưa tiền. Họ lấy lý do đi bán kíp mình để dễ dàng “thông quan”.
Đến lượt qua các chiếc phà kéo dây để vượt sông sâu, họ cũng nộp tiền “mãi lộ”. Mỗi lượt đi 100.000 đồng cho một người.
Đúng hai ngày gian truân giữa rừng, lót dạ cơn đói khát bằng tấm lương khô và nước khe suối, bãi vàng Khe Tăng cũng hiện ra trước mặt.
Cơ sở cho biết, vì Hưng là tay giang hồ nghiện hút nên hắn nằm ở lán “phó tướng”. Lán này nằm ngoài cùng, được bao bọc bởi các hàng cây gỗ nhằm chống bọn cướp vàng đột nhập.
Lúc này là 4 giờ rạng sáng, núi rừng chìm trong màn đêm tĩnh mịch, trái ngược với những cơn sóng lòng hồi hộp đang dâng tràn trong hơi thở của nhóm người đi làm nhiệm vụ.
(Còn tiếp..)