Kỳ 1: Chuyện bắt cướp như phim của khắc tinh giang hồ đất Cảng
Kỳ 2: Sát thủ máu lạnh và chuyện khó tin trong chuyên án Cu Nên
LTS: “Ông mũ trắng”, “cậu mũ trắng”… ấy là những hỗn danh mà anh em bè bạn và ngay cả đám giang hồ cộm cán thường gọi khi nhắc tới ông, đại tá Nguyễn Trường Tam, nguyên Phó trưởng Phòng cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP Hải Phòng.
Nhắc tới “lính” hình sự Hải Phòng thì mọi người thường nhớ tới những chiến công trấn áp tội phạm oai hùng của Đội H.88, đội săn bắt lưu manh lừng lẫy một thuở.
Thời ấy, những Lâm “già”, Cu Nên, Cu Lý, Dung “Hà”, Mạnh “bí”, Hà “đen”… bởi sự can trường, dũng cảm của H.88 đều đã phải đền tội ác.
Thời ấy, ông là đội trưởng của biệt đội anh hùng này.
Hành trình truy tìm những tên cướp táo tợn
H.88 đã 2 lần được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân bởi những chiến công trấn áp tội phạm vang dội.
Đại tá Nguyễn Trường Tam bảo, sở dĩ đội đặc nhiệm do ông làm đội trưởng hai lần được vinh danh là bởi so với những “biệt đội” săn bắt tội phạm khác, H.88 tuy liên tiếp lập công lớn nhưng anh em trong đội không ai bị thương vong, thiệt mạng.
Đội trưởng H.88 Nguyễn Trường Tam thay mặt đội đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1990 (Ảnh nhân vật cung cấp)
“Báo cáo thành tích” là vậy nhưng thực tế thì đã có một lần đội trưởng Nguyễn Trường Tam bị thương nặng ở đầu.
Trớ trêu, thương tích ấy không đến từ quá trình ông vật lộn với tên tướng cướp khét tiếng mà đến bởi một… dân phòng.
Lần ấy, chừng năm 1993, khi H.88 triệt phá băng cướp từng được mệnh danh là “cơn lốc đường 5”. Đại tá Nguyễn Trường Tam kể, ngoài chuyện bị dính thương một cách oái oăm, ông còn bị ám ảnh bởi một cảnh tượng hãi hùng.
“Đó là cái chết thảm khốc của một phụ nữ đang mang bầu được 5 tháng. Chị này đi cùng chồng là quân nhân trên chiếc xe máy được gọi là đắt tiền thời đó. Hai vợ chồng bị cướp, chị này bị bắn chết ngay tại chỗ…”, đại tá Tam nhớ lại.
Theo lời kể của người lính hình sự dạn dày kinh nghiệm này thì chỉ trong một thời gian ngắn, “cơn lốc đường 5” đã gây ra 17 vụ cướp táo tợn, tàn bạo.
“Manh động, liều lĩnh nhưng toán cướp này hoạt động cũng rất tinh vi, bài bản. Chúng chẳng để lại bất cứ một dấu tích gì”, đại tá Nguyễn Trường Tam nhớ lại.
Sau một thời gian sàng lọc thì các trinh sát thấy nổi lên 2 đối tượng nghi vấn.
Theo tài liệu H.88 có được thì cầm đầu toán cướp khét tiếng này là Vũ Tiến Mạnh, còn gọi là Mạnh "bí" ở xóm 8, xã Dư Hàng Kênh, huyện An Hải (nay là phường Dư Hành Kênh, quận Lê Chân), TP Hải Phòng.
Cộng đắc lực với Mạnh “bí” trong các phi vụ “ăn đêm” trên là Nguyễn Đức Hà, còn gọi là Hà “đen”, ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
H.88 tham gia khám nhà trùm giang hồ Lâm "già" (Ảnh tư liệu)
Qua tài liệu trinh sát thì Mạnh “bí” và Hà “đen” lúc nào cũng kè kè “chó lửa” bên mình. Và, đã nhiều lần chúng mạnh mồm tuyên bố, chúng không thể bị bắt. Nếu có chết thì cũng phải kéo vài mạng H.88 đi theo.
Để khẳng định chắc chắn Mạnh “bí” và Hà “đen” là hung thủ của những vụ cướp cuồng bạo trên, đại tá Nguyễn Trường Tam và các cộng sự của mình phải mất rất nhiều công sức.
Ngày ấy, ông có một cơ sở bí mật nằm ngay gần xóm 8, nơi Mạnh “bí” ở.
Lối đi bí mật vào nhà cơ sở này cỏ mọc lút chân. Nhưng, chỉ một thời gian ngắn lại qua, ông đã khiến đám cỏ ấy phẳng lì. Và, cũng bởi quá quen hơi nên dù có đến vào ban đêm con chó dữ của nhà này cũng nằm im không một câu sủa sắng.
Thành người điên để theo dấu “con mồi”
Khi đã xác định được rõ những tên cầm đầu của toán cướp định “cất lưới” thì các trinh sát đã chậm chân. Biết là khó tồn tại được ở đất Cảng, Mạnh “bí” và Hà “đen” đã nhanh chân bỏ trốn.
“Tầm nã hai tên cướp này là cực khó. Không có nhận dạng cụ thể, tất cả thông tin về chúng chỉ gói gọn trong tấm ảnh tàng thư bé bằng ngón tay”, đại tá Nguyễn Trường Tam nhớ lại.
Khi việc truy lùng hai tên tướng cướp hung bạo đang đi vào ngõ cụt thì một chiều, “ông mũ trắng” nhận được một nguồn tin báo quan trọng là thấy có hai kẻ giống như mô tả của Công an Hải Phòng đang xuất hiện tại Hải Dương.
Ngay tức khắc ông và các đồng đội của mình bỏ cả bữa tối để lên đường.
Tới Hải Dương, nguồn tin báo trên cho biết, Mạnh “bí” và Hà “đen” theo một toán ma cà bông ở thị xã đang có mặt tại một rạp chiếu phim. Không thể bắt chúng trong rạp đông người nên các trinh sát phải đón lõng ở ngoài.
Thế nhưng, khi buổi chiếu phim diễn ra được chừng nửa tiếng thì có một toán thanh niên ra về. Khi xác định được trong toán ấy có Mạnh “bí” và Hà “đen” thì đã quá muộn.
Ra khỏi rạp chúng nhanh chóng tách thành hai nhóm. Khai thác thông tin từ các cơ sở, “ông mũ trắng” đã biết nơi Mạnh “bí” và Hà “đen” lui đến.
Theo sự phân công, đại tá Tam và trinh sát Tô Thanh Sơn sẽ theo chân và áp sát nhà mà Mạnh “bí” sẽ ẩn mình đêm đó.
Lần thứ hai, năm 1995, H.88 đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND (Ảnh tư liệu)
Nhà ấy nằm sâu trong ngõ, cách ga Hải Dương không xa. Theo nguồn tin trinh sát thì sau đêm ấy, Mạnh “bí” và Hà “đen” sẽ nhảy tàu Thanh Hóa sớm. Bởi trong nhà có nhiều người nên kế hoạch áp sát và bắt đối tượng lại phải gác lại.
Ngôi nhà mà Mạnh “bí” tá túc nằm trong ngõ vắng nên việc người lạ xuất hiện sẽ khiến tên cướp quỷ quyệt nghi ngờ. Bởi thế, đại tá Tam và cộng sự của mình đã bàn cách hóa trang.
Chỉ sau vài phút, hai trinh sát đã hóa thành những... kẻ tâm thần. Quần áo xộc xệch, đầu tóc bù xù, bê bết bùn đất, chọn đám rãnh bẩn nhất hai ông vô tư “nằm ngủ”.
Rượt đuổi kịch tính hơn cả phim hành động
Trời tờ mờ sáng, gần chỗ hai ông nằm có bà lão đã lục tục mở cửa hàng bán nước chè nóng. Quán có bán bánh chưng thơm phức. Không chịu được cơn đói hành hạ, móc đồng tiền cáu bẩn, ông bò lên quán nước mua bánh.
Vừa bóc xong bánh chưa kịp ăn thì trong căn mà mà hai “ông điên” đang theo dõi có một người đàn ông đi ra, hai tay đút túi quần.
“Thấy gã đó bước ra, đầu cúi gằm, tôi bỗng thấy trống ngực mình phang thình thịch. Linh cảm ấy khiến tôi khẳng định gã đó chính là Mạnh bí”, đại tá Nguyễn Trường Tam kể.
Tính nhanh chiến thuật bắt úp, ông ra ám hiệu cho người cộng sự chuẩn bị tinh thần.
Mười mét, rồi 5 mét, khi đối tượng đang tới gần thì bỗng đâu lại có tiếng xe còi ủ. Nghe tiếng còi ấy, gã đàn ông vội vã quay đầu rẽ sang ngõ khác.
Lại một lần nữa kế hoạch vây bắt bị phá hỏng, nhưng hành động bất thường của gã đàn ông trên khiến nhận định của ông càng thêm phần chính xác.
Bỏ chiếc bánh chưng vừa bóc, ông và ông Sơn vội vàng bật theo. Nhưng chạy đến con ngõ mà Mạnh “bí” vừa rẽ vào thì không thấy bóng dáng hắn đâu nữa. Nghĩ là hắn đang tìm đường đi Thanh Hóa nên hai ông phi thẳng ra ga.
Ra đến cửa ga thì ông thấy tên cướp đang lên tàu. Chạy theo lên tàu thì tên cướp lại xuống.
Chỉ khi nghỉ hưu, đại tá Nguyễn Tường Tam mới có thời gian vui vầy cùng con cháu.
Không để “con mồi” vọt mất, hai ông lại tất tưởi kéo nhau xuống. Khi này Mạnh “bí” đã bỏ hai ông một đoạn chừng 300m. Hắn không vào ngõ mà đi theo đường lớn.
Nếu chạy bộ đuổi theo sẽ khiến đối tượng phát hiện nên ông kéo ông Sơn chạy đến chỗ một ông xe ôm đang chờ khách gần đó.
Thấy hai ông bẩn thỉu, người hôi rình, ông xe ôm đã định không chở. Tuy nhiên, thấy hai ông có tiền, ông xe ôm đã thay đổi thái độ.
Ông mặc cả chở đến cầu Phú Lương, theo hướng di chuyển của Mạnh “bí”.
Ông xe ôm đòi 15 nghìn, giá đó hơi đắt nhưng ông cũng đồng ý với điều kiện phải đèo cả hai và khi nào bảo dừng thì phải phanh xe ngay tấp lự. “Tay lái lụa mà, yên tâm, lên xe đi”, ông xe ôm nói chắc nịch.
Đồng nghiệp, bao lần cùng nhau bắt cướp trên mọi địa hình nên thấy ông thuê xe ôm, ông Sơn đã hiểu ý.
Vỉa hè nơi Mạnh “bí” đang di chuyển rộng chừng 3m, bởi thuê xe ôm nên không thể lao bổ lên hè. Bám sát lề đường, ông liên tiếp thúc tay vào sườn bảo ông xe ôm tăng tốc.
Khi gần ngang tầm đối tượng, một tay thúc mạnh vào sườn ông xe ôm bảo dừng xe, tay còn lại bấm vào đùi ông Sơn ra hiệu. Xe đang chạy, khựng lại bất ngờ khiến cả ba người nhao về phía trước.
Nhân đà ấy, ông và ông Sơn bật mạnh về phía Mạnh “bí”.
Bay vút như chim nên khi bị dí vào tường của một trường học trên phố đó, tên tướng cướp dù đã rất cảnh giác nhưng vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy đến với mình.
Dính thương hài hước
Đang vật lộn với tên cướp thì xe của dân phòng đi tuần trườn tới. Thấy có đánh lộn nên mấy dân phòng đã nhanh chóng ập vào.
Bị dân phòng giằng ra nhưng biết được sự nguy hiểm của Mạnh “bí” nên ông cố sức không rời đối tượng. Vật lộn một hồi, khi đã tước được súng và lựu đạn của tên cướp thì thì ba bốn dân phòng lực lưỡng mới lôi được ông ra.
Đại tá Nguyễn Trường Tam hài hước kể lại lần duy nhất mình bị dính thương.
Lúc này, thấy mọi chuyện đã an bài, ông mới nói mình là hình sự, đang thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, cảnh giác, những dân phòng ấy chẳng tin.
Sau khi giằng được khẩu súng và lựu đạn trên tay ông (vũ khí mà ông móc được trong túi quần Mạnh “bí”) một dân phòng đã tiện tay táng ngay báng súng đó vào đầu ông khiến máu chảy lòng thòng khắp mặt.
Bị đưa về phường và phải chờ khi đồng đội đến ứng cứu, ông mới chứng minh được thân thế của mình.
Vết thương trên đầu vẫn đang nhói buốt, tranh thủ lúc Mạnh “bí” còn đang hoảng hồn, ông băng bó tạm rồi vội vã ra lấy cung nhanh.
Đại tá Nguyễn Trường Tam kể, khi đang lấy cung Mạnh “bí” thì ông nhận được tin mừng của đồng đội báo về. Hà “đen” cũng đã bị một mũi trinh sát khác khuất phục, bắt giữ.
Di lí hai tên cướp nguy hiểm về Hải Phòng, chẳng đến bệnh viện xử lý vết thương ở đầu ngay, ông vội về nhà lục tìm cơm nguội. Ông bảo, đó là bữa ăn ngon nhất trong đời bởi đã không có gì bỏ bụng từ trưa hôm trước.
Sau này, khi các phóng viên báo đài bảo ông diễn lại cú bật nhảy bắt Mạnh “bí” nhưng diễn đi diễn lại mấy lần ông cũng không thể nào tái hiện.