Những chuyện chưa kể về Ban Chuyên án trong vụ thảm án tại Bình Phước

Việt Đông |

Kỳ 1: Chấn Động - Đối với các trinh sát và điều tra viên của C45, được tham dự vào Ban Chuyên án điều tra và khám phá vụ thảm sát tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, là một dấu ấn khó phai mờ trong cuộc đời cảnh nghiệp.

Chưa bao giờ, họ được sống trong một bầu không khí đan xen nhiều cảm xúc đến như vậy: sự bàng hoàng trước hiện trường thảm khốc của vụ án, cảm giác khó chịu trước sự lạnh lùng đến tàn bạo của thủ phạm, lòng tự trọng nghề nghiệp bị thôi thúc trong một vụ án có tới hàng trăm đầu mối nghi vấn…

Và hơn hết, họ đã được sống trong một bầu không khí "tướng sĩ một lòng phụ tử", từ quân đến tướng thức trắng đêm gặm bánh mỳ, xem bản ảnh, phân tích giả thiết, quyết tâm tìm bằng được kẻ thủ ác…

Cú điện thoại lúc 7 giờ sáng

7 giờ sáng ngày 7/7/2015, điện thoại của Thượng tá Lại Quang Huấn, Phó trưởng Phòng 5 C45B, Bộ Công an, đổ chuông dồn dập.

Bên kia đầu dây là Đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước. Ông nhanh chóng thông báo sơ bộ tình hình vụ án xảy ra trên địa bàn, và yêu cầu C45B hỗ trợ.

Sau khi báo cáo khẩn cấp với lãnh đạo C45, mũi công tác đầu tiên của C45B bao gồm 5 trinh sát và điều tra viên giàu kinh nghiệm lập tức lên đường tới Bình Phước.

Hai tiếng đồng hồ sau, họ đã có mặt tại hiện trường, chờ kết quả sơ bộ của lực lượng pháp y và khám nghiệm hiện trường.

Trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường, Đại tướng, Bộ trưởng Trần Đại Quang yêu cầu huy động những lực lượng tinh nhuệ nhất của Tổng cục Cảnh sát tham gia Ban Chuyên án.

Khác hẳn với sự ồn ã đến náo loạn bên ngoài căn biệt thự bề thế tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, khi hàng ngàn người dân hiếu kỳ, bà con thân thuộc, người làm công của xưởng gỗ Quốc Anh, cộng thêm lực lượng đông đảo phóng viên và cộng tác viên của hàng chục cơ quan truyền thông báo chí… quây tụ để nghe ngóng thông tin… toàn bộ hiện trường bên trong căn biệt thự được bảo vệ chặt chẽ.

Trong lúc chờ đợi lực lượng của Bộ Công an xuống chi viện, gần như toàn bộ lực lượng tinh nhuệ nhất của Công an Bình Phước đã có mặt, phong tỏa hiện trường.

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Phòng CSĐT Tội phạm về TTXH, Phòng CSĐT Tội phạm về kinh tế và chức vụ, Phòng CSĐT Tội phạm về ma túy, Phòng Kỹ thuật hình sự, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ 2, lực lượng Cảnh sát Cơ động và Công an huyện Chơn Thành.

Tinh anh tụ hội

Đã tham gia nhiều chuyên án lớn, đã từng lăn lộn không thiếu những hoàn cảnh khắc nghiệt, nhưng khi bước vào hiện trường vụ án, cảm giác chung của cánh trinh sát và điều tra viên của C45B là: ghê rợn!

Họ có thể dễ dàng cảm giác được mùi tử khí vẫn đặc quánh trong cả căn nhà.

Thời tiết Bình Phước những ngày đó rất khắc nghiệt. Trời đổ mưa rồi lại nắng chang chang, phả lên oi nồng. Cực nhất là các cán bộ chiến sĩ (CBCS) của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Bình Phước.

Là lực lượng đầu tiên tiếp cận hiện trường, họ phải tỉ mẩn dựng lại hiện trường, xác định sơ bộ, đồng thời bảo vệ tốt hiện trường để chờ lực lượng hỗ trợ của Bộ.

Trong thời gian nhanh nhất có thể, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đại tướng, Bộ trưởng Trần Đại Quang, Ban Chuyên án đã được thành lập. Đích thân Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban chỉ đạo chuyên án.

Những chuyên gia giỏi nhất của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Bình Phước đã được huy động phục vụ chuyên án.

Những gương mặt lừng danh trong ngành điều tra tội phạm cũng lần lượt xuất hiện tại trụ sở Ban Chuyên án: Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45…

Đặt bên ngoài các chức danh họ đang đảm nhiệm, đặt bên ngoài quân hàm tướng lĩnh họ đang gánh trên vai, trong giới cảnh sát hình sự, hai ông được vinh danh với những mỹ từ như "hổ tướng" hay "đánh là thắng".

Tướng Vĩnh là người đã phải đổ máu trong vụ bắt nhóm cướp tiệm vàng lớn ở Nam Định năm 1991. Một trong 5 quả lựu đạn của nhóm cướp tung ra mở đường máu chạy trốn đã khiến ông vĩnh viễn mất đi một con mắt.

Những câu chuyện từ ngày xưa của một vị tướng xuất thân từ lính chiến này có thể ít người còn nhớ, nhưng việc ông là Trưởng ban chuyên án điều tra vụ thảm sát tại Bắc Giang do Lê Văn Luyện là thủ phạm thì vẫn còn được nhắc lại tới tận bây giờ.

Cùng sát cánh với Tướng Vĩnh trong vụ án Lê Văn Luyện hồi đó là Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến. Hồi đó, Tướng Tiến trực tiếp chỉ huy mũi trinh sát lên Lạng Sơn để truy lùng đối tượng, đồng thời thuyết phục thân nhân đưa Lê Văn Luyện về quy án.

Một vị tướng khác cũng từng sát cánh với Tướng Vĩnh trong vụ Lê Văn Luyện cũng có mặt tại Ban Chuyên án: Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ.

Là người phụ trách cơ quan trực tiếp quản lý toàn bộ thông tin tội phạm, sự xuất hiện của Tướng Mạ là không thể thiếu, khi quá trình phá án sau này đòi hỏi phải xác minh một số lượng thông tin tình nghi khổng lồ.

Một vị tướng xuất thân từ lính hình sự khác cũng có mặt trong Ban Chuyên án: Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.

Là người trực tiếp nắm mảng hình sự phía Nam, Tướng Hùng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc triệt phá các băng nhóm có tổ chức, đồng thời nắm bắt rất rõ đặc thù của các loại hình tội phạm hình sự trên địa bàn phía Nam.

Ban Chuyên án đồng thời cũng được bổ sung thêm nhân lực từ Bộ Công an, với các lãnh đạo và CBCS kỳ cựu của Tổng cục An ninh, Văn phòng Cơ quan CSĐT, Cục CSĐT Tội phạm kinh tế và tham nhũng, Viện Khoa học hình sự, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ 1 và 2…

Giám đốc Công an của 10 tỉnh, thành cũng được huy động để đóng góp kinh nghiệm, nhận định và hướng điều tra cho Ban Chuyên án.

Hàng trăm đầu mối

Hàng ngàn đơn tố giác tội phạm được phát ra, hàng ngàn tin nhắn và cuộc gọi của quần chúng nhân dân cung cấp thông tin các đối tượng tình nghi… tới tấp đổ về Bộ Chỉ huy của Ban Chuyên án.

Tổng hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, Ban Chuyên án căng mình dựng lên tất cả các nghi vấn và tình huống, tập trung vào 3 mảng: giết người cướp của, giết người vì động cơ thù hằn, và giết người có liên quan đến vấn đề tình ái.

Hàng ngàn lượt CBCS Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông đã được huy động để đảm bảo hiện trường vụ án.

Một vấn đề gây khó khăn cho Ban Chuyên án là danh sách đối tượng nghi vấn rất rộng, lên tới hàng trăm. Bản thân các nạn nhân là những người kinh doanh lớn, có mối quan hệ rất rộng, tiếp xúc với rất nhiều người.

Bên cạnh đó, những người thân của nạn nhân cũng thực hiện công việc kinh doanh ngay trên địa bàn cư trú của gia đình nạn nhân, nên việc rà soát không hề đơn giản.

Ban Chuyên án không chỉ phải sàng lọc một lượng lớn đối tượng là các công nhân làm thuê cho xưởng gỗ của nạn nhân, mà còn mở rộng ra cả các đối tác làm ăn có công nợ hay có tiền sử mâu thuẫn về kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước, các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đắk Nông, Tây Ninh, thậm chí tới tận Cà Mau, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long…

Bản thân lực lượng của C45B trên địa bàn phía Nam đã nhận được lệnh tạm dừng toàn bộ các chuyên án đang tiến hành, tập trung toàn bộ lực lượng cho chuyên án này.

Ngoài lực lượng điều tra viên được tăng cường thêm cho Ban Chuyên án, gần như tất cả các trinh sát và điều tra viên còn lại đã được tung ra xác minh các mối nghi vấn.

Khối lượng công việc chỉ là một phần của khó khăn. Điều gây áp lực lớn hơn nữa là sức ép của dư luận.

Sự bức xúc, lo lắng và phẫn nộ trước tội ác man rợ đã khiến cho dư luận không khỏi đưa ra các giả định, nhận xét, thậm chí phân tích chắc như đinh đóng cột về các giả thiết, tình tiết khác nhau của vụ án.

Hưởng ứng lời kêu gọi tố giác tội phạm của lực lượng Công an, đã có hàng ngàn cuộc gọi và tin nhắn đã được gửi tới đường dây nóng Ban Chuyên án.

Đã có lúc, dư luận rộ lên thông tin đồn thổi về yếu tố nước ngoài, cụ thể là có bàn tay của các sát thủ Cambodia, liên quan đến vụ việc?

Họ đưa ra giả thiết với cách thức sát hại các nạn nhân tàn bạo, lạnh lùng đến độ chuyên nghiệp như vậy, chắc hẳn đây phải là bàn tay của các sát thủ lành nghề?

Lại có lúc dư luận rộ lên vấn đề đặt hoài nghi có mối liên hệ giữa sát thủ với cháu bé 2 tuổi, người may mắn còn lại không bị sát hại trong vụ thảm sát.

Lại có dư luận đặt vấn đề liên quan đến tình ái, khi phân tích rất kỹ càng mối quan hệ trong quá khứ của con gái nạn nhân.…Trước tất cả những luồng dư luận đang tạo dần một sức ép vô hình lên Ban Chuyên án như vậy, tất cả các thành viên đều phải hết sức bình tĩnh.

Công tác bảo mật cho chuyên án cũng được đặt lên hàng đầu, tất cả những thành viên của Ban Chuyên án đều phải cam kết không được để lọt bất cứ thông tin nào có liên quan đến tiến độ và hướng đi của vụ án.

Và trong cái không khí nghẹt thở ấy, một cánh cửa đã được mở ra, từ một câu hỏi, trong đêm thứ hai thức trắng của Ban Chuyên án.Câu hỏi ấy đến từ Trung tướng Phan Văn Vĩnh: 

"Tại sao các nạn nhân bị sát hại trong trang phục không giống nhau, khi tất cả mọi người đang còn mặc đồ ngủ, có người thậm chí cởi trần, có người thậm chí không mặc đồ lót, mà lại có nạn nhân mặc nguyên bộ quần áo, và chết bên cạnh cánh cổng đã được mở? ".

Các đồng chí tập trung vào chi tiết này", tướng Vĩnh gợi ý!

Kỳ tiếp: Dấu vết không thể xóa

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại