Kỳ 2: Lạnh lùng tàn sát 11 mạng người
MINH BỚT RA HÀNG
Tối ngày thứ 3 cũng trôi qua trong căng thẳng, âu lo. Các chiến sĩ công an, quân đội, du kích hầu như thức trắng đêm nằm mai phục dưới cơn mưa phùn lạnh giá mùa đông.
Ở dưới làng, mọi công tác mai táng đã cơ bản xong. Người dân cũng an tâm trở lại khi lực lượng công an, quân đội đã trấn giữ. Đến ngày thứ 4, phương án bao vây, thu hẹp khoảng cách vẫn được tiếp tục thực hiện.
Đến khoảng 8 giờ tối, bỗng nghe tiếng nổ liên hồi từ trên núi. Vì thời đó không có bộ đàm liên lạc, lại vào ban đêm nên lực lượng cảnh sát bảo vệ tưởng quân đội, hay du kích bắn mục tiêu, tinh thần sẵn sàng chiến đấu càng cao độ hơn.
Sáng 25-1-1980, vào khoảng 10 giờ, khi lực lượng bao vây nhận lệnh chuẩn bị tổng tấn công thì Minh bớt giơ tay hàng, đi xuống núi. Ngay lập tức, Minh bị áp giải đưa về trụ sở. Minh khai, các đối tượng còn lại đã chết, do y bắn để ra đầu hàng.
Nghe tiếng súng nổ lúc tối, với lời khai của Minh, lực lượng bao vây tiếp cận hiện trường thì quả thật 3 đối tượng còn lại đã chết. Sau khi lập biên bản hiện trường, ban chỉ huy tiền phương cho phép người nhà lên đưa ba thi thể về để mai táng.
Tại hiện trường, tang vật vụ án thu được gồm 7 khẩu súng các loại, một số đạn, lương thực cùng một số tang vật khác.
Xét hỏi nhanh, Minh khai: Thấy tình thế đã bị bao vây, khó có thể thoát nên y đã bàn với Lực là bắn chết Luyến và Dũng (In) để xuống hàng, rồi đổ tội cho nó.
Minh chỉ đạo bốn người quay về bốn hướng để canh giới. Lợi dụng khi Dũng, Luyến không để ý, Minh ra hiệu cho Lực bóp cò. Khi Dũng, Luyến vừa ngã xuống thì nòng súng của Minh lại hướng về Lực nhả đạn.
Lực ngã gục chết tại chỗ mà chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Minh còn khai do lúc đó trời tối nên Minh không dám ra hàng vì sợ bị tiêu diệt, mà phải đợi đến sáng hôm sau.
Khi bị bắt, Minh bớt còn chỉ thẳng mặt ông Nguyễn Thanh Hùng và Trương Văn Thanh của Cảnh sát bảo vệ (hai người đi đầu) với giọng ngông nghênh: Tôi thấy người đi đầu mang khẩu AR15 có cột gút đỏ phía trước và cả người đi phía sau.
Mấy người kia định bắn nhưng tôi can lại, vì bắn cũng chẳng được gì, vòng vây đã xiết chặt rồi.
Minh bớt còn chỉ vào mặt ông Dư nói: Ngày hôm trước tôi thấy bác Dư - Bí thư xã cùng Phòng, thư ký ủy ban cùng chị Hoàng văn thư đi phía dưới đồi, nhưng tôi cũng không ra tay.
Ông Dư hỏi vì sao? Minh bớt nhanh miệng: Thấy bắn cũng không có ích gì, hơn nữa lương thực hết, lực lượng bao vây quá đông cũng khó thoát. Ông Dư hỏi tiếp: Sao mày lại làm vậy?, Minh liến láu: Mấy đứa nó xúi em.
Ông Dư hỏi dồn: Sao mày lại bắn mấy đứa kia?, Minh chạy tội: Thằng Dũng nó có mưu đồ xuống đánh ban chỉ huy tiền phương, sau đó xuống huyện để làm lớn chuyện.
Tôi nói với cậu Lực mỗi đứa xoay mỗi hướng canh giữ, hai cậu cháu tôi thông đồng bắn hai đứa kia. Bắn xong, tôi nghĩ phải tiêu diệt cậu Lực thì mới ra hàng được.
Minh bớt nhanh chóng được đưa về trại, giao cho Phòng điều tra xét hỏi do ông Ngô Trà Phụ trách. Những lần sau, Minh bớt cũng khai kiểu như vậy, nhưng với tội tày đình của y thì không thể chối cãi.
NHẬN ÁN TỬ HÌNH, TIẾP TỤC TRỐN TRẠI GIẾT NGƯỜI
Sau khi bắt Minh bớt, người dân phấn chấn vì cắt được cái ung nhọt mà bấy lâu họ luôn thấy bực dọc, bức bối thậm chí điên đầu vì bị chúng quậy phá. Nhân dân mừng ra mặt, nhiều người góp món ngon đãi cán bộ, công an, bộ đội sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Trương Văn Thanh cho biết, nhiều người dân còn hầm cả bồ câu ra ràng (bồ câu non) cho anh em ăn trước khi ra về.
Đại tá Nguyễn Thanh Hùng, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ và Cơ động Công an TP.Đà Nẵng (nay đã nghỉ hưu) cho rằng: lần đó anh em phục kích gần cả tuần rất vất vả, nhưng cuối cùng có được kết quả như thế ai cũng hài lòng.
Trong đời làm công an, ông chưa chứng kiến vụ nào mà mức độ tàn sát dã man như vụ đó. Còn đại tá Trương Đình Thanh nhớ lại: Vụ đó quá khủng khiếp. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông được tổ chức kết nạp vào Đảng...
Trong bản cung, Minh bớt khai: Nguyên nhân chính dẫn đến việc gây bạo loạn, giết người, cướp tài sản vì bất mãn, bản chất hung dữ, không chịu khuất phục ai, muốn tự do làm gì thì làm nên đã bạo loạn để chống lại cán bộ địa phương.
Trong bản cung ngày 10-4-1980, Minh khai: Tôi bắn đồng bọn để ra đầu thú vì thấy không thể chống trả với lực lượng lớn đang bao vây. Minh còn khai rằng: Sở dĩ bắn chết đồng bọn là do đồng bọn không tin tưởng tôi, nên tôi đã giết trước...
Khoảng ba tháng sau, tại sân vận động của thôn Đông An (xã Quế Phước), phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Minh (Minh bớt) diễn ra, với sự tham dự đông đảo của bà con không chỉ ở Quế Phước mà của nhiều địa phương khác.
Nguyễn Minh bị xét xử với nhiều tội danh: bạo loạn, giết người, cướp tài sản xã hội chủ nghĩa, cướp tài sản công dân.
Tuy Minh bớt khai do bị xúi giục, đổ tội cho những người đã chết, nhưng tòa nhận định:
Hành vi tổ chức, cướp vũ khí, giết cán bộ và nhân dân, cướp tài sản của nhân dân, rải truyền đơn kêu gọi dân bạo loạn, chống chính quyền của Minh và đồng bọn diễn ra từ đêm 18 đến 21-1-1980.
Chúng đã cướp 7 súng, giết 11 người và hành vi của Nguyễn Minh giết đồng bọn (3 đối tượng) để bịt đầu mối, chạy tội vào đêm 24-1-1980 trước tình thế bị bao vây truy kích đã rõ ràng, hết sức dã man...
Ngoài những tội ác trên, Minh cùng đồng bọn còn viết tờ rơi tự xưng Mặt trận trung trực và lực lượng yêu nước, hòng đánh chiếm Công an huyện Quế Sơn, giết cán bộ...
Trước những tội ác đó, Nguyễn Minh bị tuyên án tử hình trước sự đồng tình cao của đông đảo quần chúng.
Ngày 29-10-1980, TAND tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm, y án tử hình đối với Nguyễn Minh.
Ngày 13-1-2015, khi ôn lại những ký ức với chúng tôi, ông Dư cho biết, TAND tối cao xử phúc thẩm đã tuyên án tử hình Nguyễn Minh.
Mấy năm sau, ông thấy có một đoàn cán bộ công an về địa phương nằm vùng, nắm tình hình. Khoảng gần tháng sau, đoàn cán bộ công an đó về để đóng dấu giấy tờ công tác, các anh mới công khai thông tin.
Ông Dư nhớ lời kể của các cán bộ công an: Minh bớt sau khi vào trại giam của Bộ Công an tại phía Nam đã trốn trại, cướp súng, không chế, chống trả khiến hai chiến sĩ công an hy sinh.
Trốn lên Tây nguyên, Minh bớt giết thêm 1 người dân nữa. Nhưng sau đó, y đã bị bắt lại.